Một nửa lượng phát thải khí mêtan trên toàn cầu hóa ra đến từ các hệ sinh thái dưới nước và điều này thực sự rất nguy hiểm

Thiên Long |

Theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ, các hệ sinh thái dưới nước có thể là nguồn phát thải khí mêtan lớn nhất mà chúng ta từng biết. Tuy nhiên bấy lâu nay con người đang đánh giá thấp tác động của chúng.

Một nghiên cứu mới từ Trường Môi trường Yale, Mỹ đã tiết lộ cho biết, các hệ sinh thái biển thải ra nhiều khí mêtan hơn khi chúng bị thay đổi bởi các hoạt động của con người. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các hệ sinh thái dưới nước là nguyên nhân của một nửa lượng khí thải mêtan trên toàn cầu.

Một nửa lượng phát thải khí mêtan trên toàn cầu hóa ra đến từ các hệ sinh thái dưới nước và điều này thực sự rất nguy hiểm - Ảnh 1.

Trong khí quyển, metan là một khí nhà kính mạnh có khả năng giữ nhiệt cao hơn nhiều so với khí CO2. Các nhà khoa học ước tính rằng, khí mêtan là nguyên nhân gây ra 25% sự ấm lên toàn cầu hiện nay.

Tác giả chính của nghiên cứu, Judith Rosentreter cho biết, đóng góp toàn cầu và tác động của hệ sinh thái dưới nước khi phát thải khí mêtan đã bị đánh giá thấp.

Các chuyên gia đã xem xét nguồn khí mêtan từ 15 hệ sinh thái thủy sinh tự nhiên, nhân tạo và tác động của con người tại các vùng đất ngập nước. Phân tích cho thấy rằng lượng khí thải mêtan tích lũy từ các hệ sinh thái dưới nước lớn hơn so với nguồn khí mêtan do con người phát thải ra từ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi và đốt nhiên liệu hóa thạch.

Theo nghiên cứu, các hệ sinh thái dưới nước và đất ngập nước đóng góp ít nhất một nửa lượng phát thải khí mêtan.

Đồng tác giả nghiên cứu, Giáo sư Peter Raymond cho biết: "Việc tính toán chính xác nguồn khí mêtan từ các hệ sinh thái dưới nước là điều quan trọng để hiểu nồng độ khí mêtan trong khí quyển".

Một nửa lượng phát thải khí mêtan trên toàn cầu hóa ra đến từ các hệ sinh thái dưới nước và điều này thực sự rất nguy hiểm - Ảnh 2.

Một vấn đề khác cần được tìm hiểu kỹ, đó là con người đã tác động như thế nào đến việc phát thải khí mêtan từ các nguồn thủy sinh. Rosentreter nói: "Bất cứ thứ gì do con người điều khiển hoặc do con người tác động đều có số lượng cao hơn nhiều so với các hoạt động tự nhiên".

Ví dụ, các trang trại nuôi trồng thủy sản ven biển có chứa lượng khí mêtan tại mỗi địa điểm nuôi cao hơn tới 430 lần so với môi trường sống ven biển không bị con người khai phá và chuyển đổi công năng, chẳng hạn như rừng ngập mặn, vùng đầm lầy hoặc phát triển của cỏ biển.

Các tác giả nghiên cứu cho biết, chúng ta có cơ hội để giảm lượng khí thải do con người gây ra nhờ các kỹ thuật quản lý phù hợp.

Đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư Carlos M. Duarte cho biết: "Việc biết được các hệ sinh thái dưới nước là nguồn phát thải khí mêtan lớn mang lại cơ hội can thiệp kịp thời và giảm phát thải nhà kính, đặc biệt khi khí mêtan nguy hiểm hơn gấp nhiều so với CO2".

Hiểu biết mới về lượng phát thải khí mêtan từ các hệ sinh thái dưới nước sẽ giúp cung cấp thông tin cho các chiến lược giám sát mới. Đồng tác giả nghiên cứu Bradley Eyre cho biết: "Giảm lượng khí thải mêtan từ các hệ thống thủy sinh sẽ là một phần quan trọng trong chiến lược ổn định nhiệt độ Trái Đất".

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Geoscience mới đây.

Tham khảo Earth

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags

Metan

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại