Một nhóm cổ phiếu liên quan trực tiếp đến xung đột Nga - Ukraine "bốc đầu" kịch trần, thị giá tăng hàng chục phần trăm chỉ sau vài phiên

Phương Linh |

Đà tăng của nhiều cổ phiếu than đã xuất phát từ tuần trước, khi những căng thẳng trên trường quốc tế chỉ mới nổ ra. Tổng cộng trong vòng 4 phiên gần nhất (23/2 đến 28/2), HLC tăng 20%, THT tăng 22%, MDC tăng 19%, TDN tăng 16%, NBC tăng 21%, TVD tăng 23%...

Những lo ngại diễn biến căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine đang gây nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới nói chung. Đặc biệt, xung đột xảy ra sẽ khiến hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng và chuỗi cung ứng bị gián đoạn từ đó đẩy giá cả các mặt hàng lên cao, một trong số này chính là giá than.

Theo đó, giá than toàn cầu đang tăng trở lại gần mức cao kỷ lục dưới những dự báo rằng việc Nga dừng cung cấp khí đốt sẽ buộc Châu Âu mua nhiên liệu hóa thạch (hiện Châu Âu phụ thuộc vào Nga với khoảng 35% lượng khí đốt tự nhiên).

Nhu cầu nhập khẩu tăng cao, trong khi phía cung vẫn chưa phục hồi sau lệnh cấm xuất khẩu than của Indonesia làm cắt giảm dòng chảy than trong mùa nhu cầu cao điểm mùa đông. Tổng hoà những yếu tố này đã thúc đẩy giá than tăng mạnh trở lại sau khi giảm từ mức cao kỷ lục vào tháng 10/2021, hiện đã ở mức 239 USD/tấn.

Một nhóm cổ phiếu liên quan trực tiếp đến xung đột Nga - Ukraine bốc đầu kịch trần, thị giá tăng hàng chục phần trăm chỉ sau vài phiên  - Ảnh 1.

Biến động giá than trên thị trường hàng hóa quốc tế (nguồn: TradingEconomic)

Bối cảnh chung của thị trường quốc tế phần nào đã được phản ánh nhanh chóng tại thị trường Việt Nam. Trong phiên đầu tuần 28/2, nhóm cổ phiếu than bất ngờ "dậy sóng", ngược dòng thị trường đang đỏ lửa mà đồng loạt tăng kịch trần lên mức giá cao nhất ngày.

Cụ thể, mã HLC của Than Hà Lầm dẫn đầu đà tăng với 10% lên mức 16.500 đồng/cổ phiếu. Tương tự, THT của Than Hà Tu, MDC của Than Mông Dương hay TDN của Than Đèo Nai cũng bứt tốc , tăng hết biên độ 9,7 - 9,9% lên lần lượt 16.700 đồng, 14.700 đồng và 15.800 đồng/cp.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu than khác cũng đua nhau bứt phá, điển hình là NBC (tăng 9,6%), TC6 (tăng 9,4%), TVD (tăng 9%),... Với thanh khoản trung bình ở mức thấp do cơ cấu cổ đông cô đặc, các cổ phiếu này nhanh chóng ghi nhận tình trạng trắng bên bán.

Một nhóm cổ phiếu liên quan trực tiếp đến xung đột Nga - Ukraine bốc đầu kịch trần, thị giá tăng hàng chục phần trăm chỉ sau vài phiên  - Ảnh 2.

Đà tăng của nhiều cổ phiếu than đã xuất phát từ tuần trước, khi những căng thẳng trên trường quốc tế chỉ mới nổ ra. Tổng cộng trong vòng 4 phiên gần nhất (23/2 đến 28/2), thị giá nhiều cổ phiếu "vàng đen" này đã tăng trưởng hai chữ số phần trăm, tiêu biểu như HLC tăng 20%, THT tăng 22%, MDC tăng 19%, TDN tăng 16%, NBC tăng 21%, TVD tăng 23%...

Một nhóm cổ phiếu liên quan trực tiếp đến xung đột Nga - Ukraine bốc đầu kịch trần, thị giá tăng hàng chục phần trăm chỉ sau vài phiên  - Ảnh 3.

Trong bối cảnh nhiều nhóm cổ phiếu quay đầu điều chỉnh khi VN-Index loay hoay gặp khó trước ngưỡng điểm cao mới, có thể thấy nhiều cổ phiếu ngành than lại đang "âm thầm" tích luỹ mà không được nhà đầu tư chú ý với nguyên nhân chính từ kỳ vọng về sự leo thang của giá than thế giới. Tuy nhiên, khác với nhóm dầu khí hay phân bón khi phụ thuộc lớn vào biến động giá cả toàn cầu, nhà đầu tư cần phải lưu ý rằng các doanh nghiệp ngành than Việt Nam sẽ không chịu tác động quá lớn khi giá than ở Việt Nam không đồng pha với giá than thế giới do chính sách quản lý giá khác biệt.

Các doanh nghiệp khai thác than trực thuộc tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) không được xuất khẩu và áp giá trực tiếp với khách hàng mua, mà họ chỉ có chức năng khai thác theo định mức sản lượng được giao hàng năm và phải bán cho doanh nghiệp thương mại theo quy định.

Định mức tỷ suất lợi nhuận cũng thường được ấn định theo con số dự toán trước và được điều chỉnh không quá nhiều dù giá trên thị trường thế giới tăng mạnh. Theo SSI Research, giá than trong nước thường chỉ được điều chỉnh khi có mức tăng lớn về chi phí sản xuất và thường chỉ diễn ra 3-4 năm/lần.

Một nhóm cổ phiếu liên quan trực tiếp đến xung đột Nga - Ukraine bốc đầu kịch trần, thị giá tăng hàng chục phần trăm chỉ sau vài phiên  - Ảnh 4.

Tầm nhìn trong năm 2022, SSI Research lưu ý việc giá than khai thác ở Việt Nam đang đắt hơn nhiều so với thế giới ở trong giai đoạn bình thường, do đó dư địa tăng giá trong nước không còn nhiều, nhất là khi giá than thế giới có khả năng hạ nhiệt nhanh trong năm 2022.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại