Một người Hy Lạp si mê Việt Nam và món quà độc nhất vô nhị

Dương Lê |

Anh Theodoros Malliopoulos, có một lý do riêng để không những yêu mà còn thương cả mấy thế hệ phụ nữ Việt.

Một người Hy Lạp si mê Việt Nam và món quà độc nhất vô nhị - Ảnh 1.

Với thế hệ lớn tuổi ở nước ngoài, ủng hộ Việt Nam vì biết đó là một dân tộc kiên cường qua các cuộc chiến tranh.

Với thế hệ doanh nhân thế giới, yêu Việt nam vì thời "mở cửa", vì sự chuyển mình của nền kinh tế nơi đây.

Với thế hệ trẻ người nước ngoài trẻ hơn, không dễ tìm được một lý do ấn tượng để họ yêu Việt nam sâu sắc, vì họ chưa thực sự có trải nghiệm đủ sâu sắc về đất nước này.

Vậy mà người bạn Hy Lạp này của tôi, anh Theodoros Malliopoulos, có một lý do riêng để không những yêu mà còn thương cả mấy thế hệ phụ nữ Việt.

Một người Hy Lạp si mê Việt Nam và món quà độc nhất vô nhị - Ảnh 2.

Anh Theodoros Malliopoulos. Ảnh: NVCC

Anh biết đến Việt Nam đầu tiên là qua chiếc áo phông hình lá quốc kỳ, khi vô tình chạm mặt tôi tầm 10 phút tại sân bay Athens. Khi ấy, tôi phiền anh đổi chỗ vì cần cắm sạc điện thoại ở góc tường trước khi lên máy bay đi Paris. Anh đồng ý và tôi trả ơn anh bằng chiếc áo với hình quốc kỳ tôi luôn mang theo mỗi dịp đi nước ngoài.

Sau này, khi biết chuyên môn của anh, tôi mời anh tham gia giảng dạy tiếng Anh và tiếng Hy Lạp online cùng tôi. Từ đó cả một thế giới mới, cách cảm nhận mới về người phụ nữ Việt mở ra trong anh.

Cứ sau mỗi buổi học trực tuyến anh lại gọi riêng, này, cô học viên đó nói vậy là thật hay chỉ là do tôi ra đề bài thì cô ấy làm cho có vậy thôi.

Tôi bảo thật đấy. Anh thở dài.

Buổi sau anh vui hơn: "Này, tôi đã hiểu ai đang vận hành cuộc sống ở Việt nam đấy. Tại sao kinh tế và xã hội Việt Nam chạy nhanh như vậy, vì có động lực từ những người phụ nữ Việt. Họ có khả năng bền bỉ, họ linh hoạt, họ làm cả những việc mà đàn ông làm được cộng với những việc mà đàn ông không làm được một cách nhẫn nại, không than phiền".

Rồi có hôm vừa dừng buổi học anh lại gọi điện hét lên: Tại sao người đàn ông đó lại làm vậy với học viên nữ của tôi. Rồi đập bàn ầm ầm.

Cứ thế, Việt Nam mở ra trong anh là những gì chưa được đẹp trong cách hành xử đâu đó nhưng đổi lại bằng sự bền bỉ, những gì linh hoạt, những kỳ tích khi chống covid đợt 1-2-3 khi mà các học viên vô cùng tự hào khoe với anh. Những tưởng làn sóng covid thứ 4 sẽ làm anh thay đổi cái nhìn của mình về Việt Nam, nhưng không.

Anh bảo: "Cho tới chừng nào người phụ nữ trong mỗi gia đình Việt còn cầm cự được thì covid không có cửa để đánh bại họ. Sự lầm lũi và khiêm nhường mà tôi nhận thấy qua các học viên tiếng Anh của mình làm tôi thấm. Không đao to búa lớn gì, không ước vọng cao xa gì khi được tôi ra đề bài: hết lockdown, hết covid việc đầu tiên bạn làm gì? Họ đã nói rằng việc đầu tiên và cũng là những việc cuối cùng chínhviệc hàng ngày đang diễn ra của họ. Vậy hà cớ gì mà phải lo lắng.

Con hổ có thể tăng tốc dốc tổng lực một cách thích mắt nhưng con trâu mới là con về đích một cách dong nhàn, không bóng bảy mà lại khoan thai trong từng hơi thở nơi vạch đích".

Một người Hy Lạp si mê Việt Nam và món quà độc nhất vô nhị - Ảnh 3.

Khi tôi thông báo có Quỹ Hạt Vừng, Soha và Thiện Nhân đang giúp kéo dài từng nhịp thở khoan thai đó và đặc biệt khi xem VTV đặc biệt: "Ranh giới", anh nói: "Hãy cho tôi giúp sức nhỏ bé của mình để hà hơi thổi ngạt cho những người phụ nữ đang ôm ấp những hạt giống Việt ấy". Và anh đã quyết định nói lời chia tay con dao Malanika Hunter độc nhất vô nhị thế giới – con dao mà anh yêu quý như bạn đồng hành, để tặng Hạt Vừng đấu giá mua máy thở.

Một người Hy Lạp si mê Việt Nam và món quà độc nhất vô nhị - Ảnh 4.

Tôi ngưỡng mộ anh vô cùng và nhiều lần gặng hỏi: "Này tôi băn khoăn không biết anh có theo học Khoa toán ứng dụng của Đại học Crete Hy Lạp thật không đấy, tôi nghĩ anh tốt nghiệp Khoa Văn thì đúng hơn".

Anh bảo "Muốn check chỉ cần google là ra, còn chỉ cần để tâm quan sát cuộc sống quanh ta hàng ngày và dùng tư duy logic xâu chuỗi thì chả cần phải tốt nghiệp khoa Văn. Cứ dùng tư duy logic, bạn có thể đi được xa hơn, tới được gần hơn những gì mà giới hạn hữu hình cho phép đấy".

Thứ 7 này, 18/9, ngày anh cưới vợ, thì cũng là ngày con dao ấy được đem bán đấu giá để tiếp thêm nhịp thở. Nhưng món quà quý giá hơn cả con dao mà Theodoros Malliopoulos dành tặng người Việt chính là tấm chân tình của một người không máu đỏ da vàng nhưng yêu mảnh đất hình chữ S này như nơi chôn nhau cắt rốn.

Một người Hy Lạp si mê Việt Nam và món quà độc nhất vô nhị

Vào 20h thứ 7 ngày 18/9/2021, nhóm thiện nguyện HẠT VỪNG, SOHA, QUỸ THIỆN THIỆN NHÂN sẽ tổ chức phiên đấu giá đổi kỷ vật lấy máy thở lần thứ 3 với chủ đề "NHỮNG TUYỆT PHẨM CỦA NGHỆ NHÂN".

Tại phiên đấu giá sẽ xuất hiện 6 vật phẩm đặc sắc được chế tác từ đôi tay nghệ nhân hàng đầu thế giới và việt Nam:

1. Con dao Malanika độc nhất vô nhị đến từ nghệ nhân Croatia (do anh Theodoros Malliopoulos - một người Hy Lạp yêu Việt Nam tặng)

2. Trọn bộ 8 bình sứ phong thủy phúc lộc vẽ vàng 24k của nghệ nhân Hải đồ cổ

3. Chiếc long bào của vua Đồng Khánh phiên bản mô phỏng của nghệ nhân dân dân Vũ Văn Giỏi

4. Chiếc vòng tay vàng nạm kim cương của CAO Fine Jewellery

5. Trâm phượng bằng bạc dát vàng - phiên bản mô phỏng bảo vật hoàng cung triều Nguyễn của nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh

6. Máy nghe nhạc thượng hạng Reuge - Tuyệt tác cơ khí

Quý vị muốn có cơ hội sở hữu những tuyệt phẩm này, xin nhắn tin hoặc gọi điện về số điện thoại: 0989.091194 (chị Trinh) và số 0989.816579 (chị Thủy Anh) để đăng ký trước, chúng tôi sẽ gửi link vào phòng đấu giá cho quý vị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại