Theo dự báo của Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam, đến năm 2030, ngành Logistics nước ta cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực. Trong đó có khoảng 200.000 nhân lực chất lượng cao có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, có kỹ năng nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ.
Cho những ai chưa biết, Logistics là dịch vụ cung cấp, vận chuyển hàng hóa tối ưu nhất từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Công việc của các công ty Logistics là lên kế hoạch cụ thể, kiểm soát sự di chuyển của hàng hóa hay thông tin về nguyên liệu từ điểm xuất phát đến điểm tiêu thụ theo yêu cầu khách hàng đặt ra. Để cạnh tranh hiệu quả trong ngành này, các công ty phải luôn cải tiến và chú trọng đến yếu tố số lượng, chất lượng, thời gian và giá cả dịch vụ.
Ảnh minh họa
Dù là ngành hot, thiếu nhân lực song chất lượng nhân lực Logistics tại Việt Nam chưa đáp ứng được các nhu cầu như: kỹ năng về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, khả năng sử dụng các phần mềm Logistics, kiến thức và kỹ năng quản trị thu mua, vận tải, kho hàng… Đáng chú ý, có khoảng 70% doanh nghiệp cho rằng năng lực của đội ngũ nhân lực Logistics, bao gồm cả nhân lực trực tiếp và cán bộ quản lý, chỉ ở mức trung bình thấp.
Có thể thấy Logistics hiện đang có tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt và là ngành có tiềm năng phát triển cực nở rộ trong tương lai.
Học gì, ở đâu?
Muốn theo học ngành Logistics, bạn có thể tham khảo các trường cùng điểm chuẩn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 như sau: Đại học Kinh tế Quốc dân (27,4 điểm), Đại học Ngoại thương (28,3 điểm), Học viện Tài chính (35,51 điểm), Đại học Kinh tế TP.HCM (27 điểm), Đại học Giao thông vận tải Hà Nội (26.15 điểm), Đại học Giao thông vận tải TP.HCM (25,65 điểm), Đại học Hàng Hải Việt Nam (25,75 điểm)...
Chương trình đào tạo cụ thể sẽ khác nhau giữa từng trường đại học. Chẳng hạn như tại Học viện Tài chính, một số môn học tiêu biểu trong phân phối chương trình ngành này như: Quản trị Logistics, Giao nhận và vận tải quốc tế; Logistics và Thương mại điện tử, Pháp luật về Logistics, Trị giá Hải quan…
Học viện Tài chính
Còn tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân, các môn học tiêu biểu ngành này như: Kinh doanh Logistics, Vận tải đa phương thức, Giao dịch và đàm phán kinh doanh, Cơ sở hạ tầng Logistics, Quản trị chuỗi cung ứng toàn cầu…
Trường Đại học Ngoại Thương lại cho sinh viên được tiếp cận và giải quyết các vấn đề liên quan Logistics và quản lý chuỗi cung ứng nói riêng, kinh doanh quốc tế nói chung; tham gia các hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Mức lương "khủng"
Nhân sự ngành Logistics được phân chia theo nhiều cấp bậc, có thu nhập tốt hơn mặt bằng chung. Mức lương khởi điểm của sinh viên mới tốt nghiệp ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng thường nằm trong khoảng 10-15 triệu đồng mỗi tháng. Sau khoảng 5 năm làm việc và tích lũy kinh nghiệm, mức lương có thể tăng lên, thường nằm trong khoảng 20 - 30 triệu đồng.
Logistics là ngành có mức lương "khủng" hiện nay. Tại Việt Nam, nhân viên Logistics có mức lương trung bình từ 10 - 15 triệu đồng/tháng, có chuyên môn tốt thì mức lương sẽ cao hơn. Đối với vị trí Quản lý (Logistics Manager), mức lương dao động từ 3.000 - 4.000 USD/tháng (khoảng hơn 73 - 98 triệu đồng/tháng). Vị trí Giám đốc chuỗi cung ứng (Supply Chain Director) có mức lương dao động từ 5.000 - 7.000 USD/tháng (hơn 123 - 172 triệu đồng).
Ảnh minh họa
Công việc cụ thể ngành Logistics
Khi theo học ngành này, bạn có rất nhiều cơ hội việc làm tại:
- Các công ty cung ứng dịch vụ Logistics.
- Các cơ quan quản lý các cấp liên quan tới việc hoạch định chính sách thương mại nói chung và hoạt động Logistics và chuỗi cung ứng nói riêng.
- Vị trí lập kế hoạch và điều phối sản phẩm tại các nhà máy sản xuất.
- Các công ty tư vấn toàn cầu về sản xuất, kho bãi, vận tải...
- Các doanh nghiệp vận tải, các đại lý hàng không, cảng biển,... hoặc bất kỳ công ty và doanh nghiệp nào có ứng dụng Logistics trong các hoạt động tổ chức, sản xuất.
- Các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu có đào tạo và nghiên cứu về chuyên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Còn các vị trí việc làm bạn có thể đảm nhận như sau: Nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu; Nhân viên hiện trường; Nhân viên giao nhận vận tải; Nhân viên thanh toán quốc tế. Ngoài ra, còn có các vị trí khác: Điều phối viên, nhân viên kế hoạch thu mua, nhân viên chứng từ xuất nhập khẩu, chuyên viên quảng cáo… Đây đều là những vị trí quan trọng trong các doanh nghiệp lớn, hình thành nên chuỗi cung ứng.
Ai phù hợp học ngành này?
- Giỏi ngoại ngữ: Đặc thù của công việc sẽ phải giao tiếp với nhiều khách hàng và doanh nghiệp trong và ngoài nước, chính vì vậy đây cũng là một trong những tố chất cần có để học ngành Logistics. Tùy từng vị trí sẽ có yêu cầu khả năng ngôn ngữ Anh khác nhau. Đối với nhân viên sale Logistics và mua hàng, yêu cầu trình độ giao tiếp thành thạo, viết email giao dịch với các đối tác nước ngoài. Đối với nhân viên hiện trường, nhân viên khai báo hải quan, nhân viên chứng từ cũng cần trình độ tiếng Anh tốt để đáp ứng cầu công việc.
- Tinh thần chịu được áp lực tốt: Đây là một tố chất quan trọng mà hầu hết các ngành nghề ngày nay đều cần đến, đặc biệt là ngành Logistics. Phải tương tác với nhiều người hay giờ làm việc không cố định sẽ khiến bạn phải đối mặt với áp lực không nhỏ. Đặc biệt là vào những mùa cao điểm như năm mới, Giáng sinh… với số lượng hàng hóa cần được lưu thông nhiều hơn do sức mua tăng, bạn phải chấp nhận làm thêm giờ.
Ảnh minh họa
- Tinh thần trách nhiệm: Logistics là ngành hàng đòi hỏi sự chặt chẽ cao giữa các khâu giao nhận, vì vậy bạn cần chú ý đến từng con số, chi tiết hay dữ liệu mình nhận được. Đặc biệt lưu ý hàng hóa cần được giao đến tay khách hàng trong thời gian sớm nhất có thể hoặc đúng hẹn để có được sự tin tưởng, vì vậy đòi hỏi bạn làm việc đảm bảo đúng quy trình và thời gian để có kết quả tốt nhất.
- Kỹ năng giải quyết vấn đề: Nếu không có khả năng giải quyết vấn đề tốt, bạn sẽ không thể nào thành công trong lĩnh vực này. Chuyên gia quản lý chuỗi cung ứng sẽ phải xem xét trên nhiều khía cạnh để thực hiện nhiệm vụ.