Theo số liệu mới được ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 28/6 đạt 5,83%, trong khi huy động vốn chỉ tăng 5,5% so với cuối năm 2023.
Trước đó, chia sẻ tại một hội nghị mới đây, Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm thông tin rằng, tăng trưởng tín dụng của BIDV cập nhật hết ngày 17/6 đạt 4,7%, tương ứng dư nợ 1,87 triệu tỷ đồng, tăng 81.000 tỷ so với cuối năm 2023.
Như vậy, chỉ trong vòng 10 ngày cuối tháng 6, dư nợ tín dụng của BIDV đã mở rộng thêm 1,13 điểm % so với cuối năm 2023. Với dư nợ tín dụng cuối năm 2023 đạt hơn 1,747 triệu tỷ đồng, lượng vốn BIDV bơm ra nền kinh tế trong 10 ngày cuối tháng 6 đạt gần 20.000 tỷ đồng.
Diễn biến tăng trưởng tín dụng tại BIDV khá tương đồng với tình hình chung của các tổ chức tín dụng khác, khi số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy tín dụng toàn nền kinh tế ghi nhận mức tăng ấn tượng trong tháng 6.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 14,4 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm ngoái. Trước đó, tăng trưởng tín dụng tính tới cuối tháng 5/2024 mới đạt 2,41% và đạt 3,79% tính đến ngày 14/6.
Như vậy, chỉ riêng tháng 6, nền kinh tế tiếp nhận thêm khoảng 487.000 tỷ đồng, cao hơn so với tổng mức tín dụng tăng được trong 5 tháng đầu năm. Riêng hai tuần cuối tháng 6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế mở rộng thêm gần 300.000 tỷ đồng.
Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024, Tổng Giám đốc BIDV cho biết, sau giai đoạn tăng trưởng âm trong tháng 1 và tháng 2, tín dụng bắt đầu tăng trưởng vào tháng 5 và đến ngày 17/6 đạt 4,7%. Trong đó, chỉ có Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Nam Trung Bộ có mức tăng tốt, còn lại tăng chậm, thậm chí là âm so với cuối năm 2023.
Nguyên nhân tín dụng tăng trưởng chậm được Tổng Giám đốc BIDV nêu lên là do: doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, năng lực tài chính giảm sút, số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường hoặc tạm ngừng kinh doanh tăng cao do gặp phải khó khăn thời hậu COVID-19, xung đột chính trị nhiều nơi trên thế giới, thị trường bất động sản trầm lắng dẫn đến nhu cầu vay tiêu dùng trong dân cư giảm….
Ông Lê Ngọc Lâm cũng nhấn mạnh, BIDV sẽ tiếp tục có các biện pháp thúc đẩy các chi nhánh tích cực tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm; tổ chức làm việc, đối thoại, kết nối giữa doanh nghiệp - ngân hàng để tìm ra khó khăn, tháo gỡ vướng mắc; tiếp tục triển khai các gói tín dụng, giảm lãi suất để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng theo các chương trình và chỉ đạo của NHNN.
Cùng với BIDV, một số ngân hàng lớn cũng cho biết tăng trưởng tín dụng bứt tốc mạnh trong những tuần cuối tháng 6.
Chia sẻ về vấn đề này tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024, Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết tính đến hết 17/6, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mới đạt 2,1%, tức tăng 29.000 tỷ đồng, thấp hơn so với các năm trước. Tuy nhiên, ông Tùng dự kiến đến hết 30/6 tăng trưởng tín dụng đạt 4,3%, đến hết 30/9 là 8,2% và cả năm là 12%. Tức trong nửa cuối tháng 6, mức tăng trưởng đạt được gần ngang bằng trong hơn 5 tháng trước đó.
Báo cáo tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng thông tin đến hết 31/5, dư nợ tín dụng đạt 1,57 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 1,24% so với cuối năm trước. Tuy nhiên, dự kiến đến hết 30/6 mức tăng trưởng có thể đạt 2,5%, tức mức tăng trong tháng 6 bằng tổng mức tăng trong 5 tháng trước đó.
Ở nhóm cổ phần, Tổng Giám đốc MB cho biết tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 6 có thể đạt 6 - 6,5%, từ mức 4,5% ghi nhận vào giữa tháng 6. Lãnh đạo VIB cũng dự báo mức tăng trưởng cuối quý II đạt khoảng 2% từ mức 1,14% đạt được vào cuối tháng 5.
Trước đó, tăng trưởng tín dụng đã có dấu hiệu hồi phục sau khi nhận mức âm trong 2 tháng đầu năm. Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng, doanh số tín dụng mà các TCTD đã cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn hơn doanh số của cùng kỳ 3 năm trước.