Chúng tôi trở lại khu vực nhà máy nước sông Đà (Hòa Bình) sau 1 năm xảy ra sự cố ô nhiễm. Dọc con đường lên suối Trầm, nơi bị đổ dầu bẩn trước đây đã được Cty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) lắp đặt camera quan sát trên cao. Trung bình khoảng 40 - 50m có 1 camera, hầu hết các đường cắt dân sinh qua suối đều được lắp camera ngay đường vào.
Tại cửa dẫn nước từ hồ Đầm Bài vào nhà máy cơ bản không có gì thay đổi ngoại trừ mấy tấm màng lọc. Đoạn kênh dẫn nước dài khoảng hơn 3km dẫn nước từ sông Đà vào hồ Đầm Bài vẫn là kênh hở, không có rào chắn. Thậm chí người dân vẫn chăn thả trâu tại đây.
Anh D, một người dân thôn Vật Lại cho biết, sau sự cố chết chục tạ cá vì dầu bẩn, anh đã nuôi lại cá và baba, từ đó đến nay không có biến cố gì. Ngày nào Cty nước cũng qua để lấy mẫu nước, nên có thể tạm yên tâm về nguồn nước. Tuy nhiên, vẫn có hàng chục con suối lớn nhỏ dẫn vào nước hồ, dọc các con suối người dân chăn nuôi, trồng trọt, không thể cấm họ được, vì đây là đất của họ.
Lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, dự án Nhà máy nước sông Đà là công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật phục vụ Thủ đô. Tuy nhiên, việc bảo vệ an ninh nguồn nước, khai thác quỹ đất nằm trong lưu vực các công trình đầu mối (các tuyến kênh, tuyến ống dẫn nước, hồ chứa…) ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đời sống của nhân dân trong khu vực.
Hiện tại chưa có cơ chế hỗ trợ cho địa phương bị ảnh hưởng, hỗ trợ kinh tế cho các hộ dân tại đây.Việc khai thác quỹ đất nằm trong lưu vực hồ chứa, dọc hành lang khu vực có tuyến ống đi qua bị hạn chế, việc kết nối hạ tầng giao thông khó khăn…
Tỉnh Hòa Bình đang có một số nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát tại lưu vực hồ Đầm Bài như: Khu đô thị sinh thái xã Phú Minh và xã Hợp Thành, sân Golf tại xã Yên Quang và xã Phú Minh… Tuy nhiên, các dự án đều bị Bộ Xây dựng yêu cầu dừng vì nằm trong phạm vi ranh giới bảo vệ nguồn nước mặt hồ Đầm Bài của Nhà máy nước sạch sông Đà.
UBND tỉnh Hòa Bình đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét yêu cầu chủ đầu tư Nhà máy nước sông Đà có giải pháp đầu tư tuyến ống kín để bơm nước thô từ sông Đà lên bể sơ lắng đặt trong khu xử lý (có hành lang bảo vệ) và dẫn vào trạm xử lý, không sử dụng hồ Đầm Bài là hồ chứa nước trung chuyển, sơ lắng như hiện nay.
Chưa đầu tư mương dẫn kín
Bà Trần Tố Chinh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hòa Bình cho biết, sau sự cố nước bẩn 1 năm trước, hầu như chưa có chuyển biến gì từ nhà máy nước sông Đà. Hồ Đầm Bài có diện tích 69 héc ta, lưu vực xung quanh hồ là 16km vuông. Quanh hồ có nhiều sông suối nguồn sinh thủy, bà con dân cư sinh sống trong khu vực rất đông. Do vậy việc tiếp tục dùng hồ Đầm Bài làm hồ chứa nước sơ lắng phục vụ cho nhà máy nước sông Đà rất khó kiểm soát về an ninh, an toàn nguồn nước.
Sau sự cố, để đảm bảo an ninh, nguồn nước, Viwasupco đề xuất xây dựng đoạn tuyến lấy nước trực tiếp từ sông Đà về nhà máy, tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa triển khai ống kín mà chia làm 2 giai đoạn. Trong đó vẫn có đoạn kênh dẫn 3,3km vẫn để hở chỉbổ sung rào bảo vệ 2 bờ kênh để ngăn chặn khả năng nước bên ngoài chảy vào kênh, lắp đặt camera giám sát toàn tuyến 24/24h, lắp đặt hệ thống quan trắc nước online từ cửa sông Đà vào khu xử lý, đảm bảo nhanh chóng phát hiện sự cố.
Ngày 8/10/2019, tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình xảy ra vụ việc một số đối tượng đổ trộm dầu thải xuống mặt đường và chảy xuống suối Trầm thuộc xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, chảy đến hồ Đầm Bài (là nơi cung cấp nước cho Nhà máy nước sạch Sông Đà), gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước sạch Sông Đà.
Đây là khởi đầu cho "cuộc khủng hoảng" nước sạch của 18% dân số Hà Nội ở khu vực Tây Nam thành phố . Thời điểm đó, khoảng 250.000 hộ dân sử dụng nước sạch do Cty nước sạch sông Đà cung cấp phát hiện nước nặng mùi Clo, kèm theo đó là mùi khét lẹt như cao su cháy.