Vừa qua, tại chương trình Kịch và nghệ, NSƯT Hữu Châu đã chia sẻ về quá trình làm việc với NSƯT Thành Lộc.
Anh nói: "Tôi và anh Thành Lộc dù giận nhau đến mấy nhưng hễ ra sân khấu là diễn bình thường, không có vấn đề gì, diễn xong lại giận tiếp.
Chính điều đó làm cho tôi càng ngày càng trưởng thành, kiềm chế được mình và bỏ qua hết. Đến giờ phút này, tôi và anh Thành Lộc hầu như không còn giận dỗi nhau nữa".
Nghệ sĩ Thành Lộc nói thêm: "Cái này là ảnh hưởng từ truyền thống gia đình hai bên. Nhiều nghệ sĩ cãi nhau trong hậu trường, ra sân khấu không nhìn nhau luôn, không vượt qua được cái tôi.
Hầu hết các nghệ sĩ nhà nòi như tôi và Hữu Châu không có chuyện đó. Trong hậu trường giận nhau đến mấy nhưng mỗi khi bước lên sân khấu là diễn bình thường, yêu nhau vẫn nhìn nhau đắm đuối.
Đó là cái mà ông bà cha mẹ, cô bác trong nhà đã dạy chúng tôi. Bước ra sân khấu là phải dẹp bỏ cái tôi, chỉ còn lại nhân vật".
Được biết, nghệ sĩ Hữu Châu từng rất thành công với vai Nguyễn Trãi trong vở diễn Bí mật vườn Lệ Chi.
Về vai diễn này, nam nghệ sĩ tiết lộ: "Vai Nguyễn Trãi và những khán giả đi xem vở diễn này càng hun đúc cho tôi một điều rằng, tôi không dám đùa giỡn với khán giả của mình.
Tôi còn nhớ có một lần diễn Nguyễn Trãi tại sân khấu Idecaf. Diễn xong vở, các anh em nghệ sĩ lên đứng thành một hàng để chào khán giả, tôi đứng giữa.
Có hai cụ già ra chính giữa sân khấu nhìn lên tôi và vái lạy. Tôi rất muốn cúi đầu chào lại hai cụ khán giả đó nhưng tôi lại đang trong phục trang, tóc tai của Nguyễn Trãi, không thể nào cúi đầu lại được. Tôi chỉ gật đầu nhẹ vì tôi vẫn đang trong hình tượng Nguyễn Trãi.
Sau đó tôi về nhà, vừa chạy xe máy vừa nhớ hoài hình ảnh đó. Tôi nghĩ, hình ảnh đó đáng giá ngàn vàng, chứ không tính được bằng đồng lương của tôi mỗi đêm.
Tôi có bỏ tiền ra cũng không mua được những hình ảnh đó. Đây là niềm hạnh phúc tôi được đem đến nhờ vai Nguyễn Trãi.
Hay, có lần tôi phải xin lỗi bác Hoàng Hữu Đản. Tôi diễn xong vai Nguyễn Trãi, bác Hoàng Hữu Đản tới ôm tôi và nói: Con à, lời thơ là một đóa phong lan bên góc tùng già chứ không phải một góc phong lan bên góc tùng già như con đọc.
Tôi về tìm lại thì hóa ra lời thơ đó là của chính bác Hoàng Hữu Đản. Từ việc đó, sau này tôi rất tôn trọng một câu tác giả viết vì nhiều khi người ta nghĩ cả tháng mới ra được một câu thoại".