2021 là năm không thể quên đối với những người giàu nhất trên thế giới. Từ tháng 1 đến đầu tháng cuối năm, 2.660 tỷ phú đã kiếm được tổng cộng 1.600 tỷ USD.
Tuy nhiên, không phải tỷ phú nào cũng có một năm suôn sẻ. Trong cùng giai đoạn, 10 tỷ phú có mức độ giàu có sụt giảm mạnh mẽ nhất, chứng kiến khối tài sản của họ bốc hơi tổng cộng 152 tỷ USD.
Án phạt kỷ lục
Giới siêu giàu Trung Quốc là nhóm chịu tổn thất nặng nề nhất khi có đến 6 gương mặt trong danh sách này. Năm ngoái, các tỉ phú Trung Quốc dẫn đầu thế giới về tăng trưởng tài sản, với mức tăng 60% so với một năm trước đó. Tuy nhiên, con số này trong năm 2021 chỉ là 4%.
Chiến dịch siết chặt quản lý của chính phủ Trung Quốc đối với hàng loạt lĩnh vực, từ thương mại điện tử đến dạy thêm, đã dẫn đến nhiều đợt bán tháo cổ phiếu ồ ạt, khiến giá trị thị trường của các công ty nội địa sụt giảm hàng trăm tỷ USD.
Trong năm nay, tính đến ngày 10/12, cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ Pinduoduo đã mất gần 2/3 giá trị trong khi giá cổ phiếu của Tập đoàn Alibaba tụt gần 50% trong cùng giai đoạn. Họ là hai trong số nhiều công ty Trung Quốc đang đối mặt với hàng loạt án phạt và quy định nghiêm ngặt liên quan đến an ninh dữ liệu và hành vi độc quyền.
Trong năm 2021, các nhà sáng lập của Pinduoduo và Alibaba là những người chứng kiến mức thâm hụt tài sản sâu nhất thế giới, với tỷ phú Hoàng Tranh của Pinduoduo mất 40,2 tỷ USD tính đến ngày 10/12 trong khi tỉ phú Jack Ma mất 21,4 tỷ USD trong cùng giai đoạn. Tỷ phú Hoàng mất 64% tài sản trong năm nay khi giá cổ phiếu của Pinduoduo chứng kiến mức giảm tương tự.
Vốn đã chịu tác động từ chiến dịch điều tra chống độc quyền nhằm vào các công ty công nghệ Trung Quốc, Pinduoduo rơi vào cảnh khốn khó trăm bề khi ông Hoàng đột ngột rời ghế chủ tịch vào tháng 3, ngay khi Pinduoduo vượt qua Alibaba để trở thành công ty thương mại điện tử lớn nhất quốc gia này.
Tỷ phú Jack Ma (trái), tỷ phú Hoàng Tranh (giữa) và tỷ phú Masayoshi Son là những người mất nhiều tiền nhất thế giới trong năm 2021 Ảnh: Forbes.
Trong khi đó, tỷ phú Ma - từng là người giàu nhất Trung Quốc, ở ẩn phần lớn năm 2021 sau khi các nhà quản lý Trung Quốc hành động cứng rắn nhằm vào các công ty của ông, mở đầu bằng quyết định đình chỉ phiên phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) trị giá 35 tỷ USD của Tập đoàn Ant vào tháng 11/2020.
Đến tháng 4/2021, các nhà quản lý Trung Quốc giáng án phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD xuống Alibaba, với cáo buộc vi phạm quy định chống độc quyền. Giá trị vốn hóa thị trường của Alibaba đã giảm hơn 46% trong năm nay, theo Tạp chí Forbes.
Xếp sau ông Ma là nhà sáng lập Tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evergrande Hứa Gia Ấn - người mất 18 tỷ USD trong năm 2021. Cuộc khủng hoảng tài chính tại Evergrande đã khiến tài sản ông Hứa giảm mạnh. Evergrande lần đầu tiên vỡ nợ trái phiếu USD vào tháng 12, khiến giá cổ phiếu của "quả bom nợ" này tiếp tục lao dốc, xuống mức 0,19 USD trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông vào ngày 15/12.
Ba tỷ phú Trung Quốc còn lại trong danh sách những người có tài sản sụt giảm mạnh nhất năm 2021, gồm nhà sáng lập Xiaomi Lôi Quân, nhà đồng sáng lập công ty cung cấp dịch vụ giáo dục TAL Education Zhang Bangxin, và nhà sáng lập hãng dược Hansoh Pharmaceutical Zhong Huijuan. Ông Lôi, ông Zhang và bà Zhong lần lượt đứng vị trí thứ 6, 9 và 10 sau khi mất 14 tỷ USD, 11,3 tỷ USD và 10,4 tỷ USD.
Canh bạc sai lầm
Đứng thứ 4 trong danh sách 10 tỷ phú mất nhiều tiền nhất năm 2021 là ông Trương Dũng, người sáng lập Haidilao - hệ thống nhà hàng lẩu lớn nhất Trung Quốc và cũng có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Sau nhiều năm tăng trưởng mạnh, Haidilao thực hiện canh bạc đầy rủi ro khi quyết định nâng gấp đôi số nhà hàng của mình lên 1.600 trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, cùng với những làn sóng lây nhiễm mới, tâm lý bất an của khách hàng về trải nghiệm ăn uống bên ngoài, đặc biệt là với những món ăn chung như lẩu, đã khiến hoạt động kinh doanh của Haidilao bị ảnh hưởng nặng nề.
Haidilao hồi tháng 11 tuyên bố sẽ đóng cửa hoặc tạm ngưng hoạt động của 300 nhà hàng đến cuối năm nay. Tính đến ngày 15/12, giá cổ phiếu Haidilao trong năm nay đã sụt 71%, khiến tỷ phú người Singapore gốc Tứ Xuyên mất 15,9 tỷ USD, tương đương 68% tài sản của ông.
Tỷ phú Mỹ Daniel Gilbert, người sáng lập công ty cho vay thế chấp Rocket, mất 13,2 tỷ USD trong năm nay Ảnh: CNBC
Covid-19 cũng là nguyên nhân khiến tỷ phú người Nhật Bản Tadashi Yanai mất 14 tỷ USD. Một phần ba tài sản của ông Tadashi bốc hơi trong năm nay sau khi cổ phiếu Fast Retailing, công ty mẹ của các hãng thời trang nổi tiếng Uniqlo và Theory, sụt giảm khoảng 34% giá trị.
Ngoài Covid-19, hoạt động kinh doanh của Fast Retailing còn bị ảnh hưởng bởi những vấn đề liên quan đến nguồn cung ở Myanmar - nơi một cuộc đảo chính quân sự đã làm nổ ra các cuộc biểu tình bạo lực.
Chiến dịch siết chặt quản lý của chính phủ Trung Quốc nhằm vào các công ty nội địa cũng gây ảnh hưởng lớn đến tỉ phú Masayoshi Son, nhà sáng lập Softbank Group. Tập đoàn này đã rót vốn vào hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc, như Alibaba và Didi Global.
Cùng với chiến dịch nêu trên, giá trị sụt giảm của một vài vụ IPO đắt giá nhất của Softbank Group đã khiến Quỹ Vision của tập đoàn này chịu khoản lỗ kỷ lục 7,3 tỷ USD trong quãng thời gian 3 tháng tính đến ngày 30/9. Giá trị cổ phiếu sụt giảm đã khiến khối tài sản của tỷ phú người Nhật bốc hơi 13,6 tỷ USD.
2021 cũng là một năm đầy biến động đối với giá cổ phiếu của công ty cho vay thế chấp Rocket (Mỹ). Ông Daniel Gilbert, nhà sáng lập Rocket, từng lọt vào danh sách 10 người giàu nhất hành tinh khi khối tài sản của ông tăng vọt lên 80 tỷ USD trong thời gian ngắn vào tháng 3.
Tuy nhiên, kể từ khi đạt đỉnh, cổ phiếu của công ty cho vay trực tuyến này đã giảm 62% tính đến ngày 15/12 giữa lúc doanh thu và lợi nhuận giảm, khiến tỉ phú người Mỹ mất 13,2 tỷ USD trong năm nay.