Xưa nay, Huế luôn giữ một chỗ đứng riêng trong nền ẩm thực nước ta. Chỉ riêng về các loại bánh, mứt từ hoa quả thôi, mảnh đất cố đô đã có muôn vàn sự lựa chọn vừa ngon, vừa đẹp mắt. Mà mỗi khi một món nào được giới thiệu đều khiến ai nấy phải trầm trồ.
Chỉ mới vừa khởi động mùa Tết mà cộng đồng mạng đã xôn xao trước đoạn clip làm một món mứt được giới thiệu là món kỳ công nhất trong các món mứt kỳ công mà các mệ khi xưa thường làm.
Món mứt làm từ loại quả quen thuộc nhưng cho ra 2 hình dáng khác nhau
Theo lời chủ nhân đoạn clip thì món mứt cổ của người Huế làm từ quả quất (tắc) - một loại quả quen thuộc với người dân Việt Nam. Song, nếu như ở các tỉnh thành khác, như Hà Nội, mọi người thường quen với mứt quất được dọc vỏ và ấn dẹp thì mứt quất ở Huế lại phải giữ nguyên hình dáng tròn của quả.
Không những thế, người dân bản địa còn gọi với một cái tên khác là "mứt quật". "Vẫn gọi quả quả quất nhưng khi làm mứt thì mệ mình gọi là mứt quật", chủ nhân đoạn clip đã giải thích khi có người thắc mắc.
Mứt quất dẹp quen thuộc của người Hà Nội (bên trái) và mứt quất ở Huế (bên phải).
Kỳ công đến mức chỉ xem làm thôi cũng phải "nín thở"
Mứt quất Hà Nội đã nổi tiếng về độ công phu, song, khi xem khâu làm ra mứt quật xứ Huế thì cộng đồng mạng phải thốt lên rằng: "Gấp đôi độ kỳ công".
Để làm được loại mứt này, ngay từ khâu đầu tiên là chọn quất cũng phải kỹ lưỡng. Quất được chọn làm mứt phải là những quả chín trên cây và tròn, căng, mọng nhất.
Kỳ công nhất chính là công đoạn gọt vỏ quả quất. Bước này chính là thử thách sự kiên nhẫn khi người làm phải dùng lưỡi lam kẹp vào cây đũa tre rồi tỉ mẩn lấy đi lớp vỏ bên ngoài, làm sao không để gọt vào thịt bên trong. Chỉ cần chạm nhẹ vào phần thịt một chút là hỏng luôn quả đó.
Ảnh chụp màn hình. Nguồn: Hi Huế! Mình là Linh
Gọt xong thì đến bước dùng kéo chọc một lỗ nhỏ dưới quả và dùng que có đầu nhọn thật nhỏ để gạt hết hạt bên trong quả quất ra. Chỉ cần sơ sảy còn sót lại một hạt là bỏ đi cả mẻ mứt vì đắng.
Chưa hết, để mứt vừa dẻo, vừa dai, lại phải khuấy nước vôi để thật lắng, lấy phần nước bên trên rồi cho quất vào ngâm một buổi. Sau đó đem rửa thật sạch rồi chần quất qua với nước sôi. Khâu này sẽ giúp quả quất cứng lại, khi sên với đường không bị dập, móp.
Để quất khi sên xong sẽ có màu vàng trong vắt lại phải mất thêm một buổi ngâm quất với đường. Đợi đường tan, lúc này mới nhóm lửa sên mứt trên chảo gang.
Những quả quất được rim trên chảo gang với ngọn lửa nhỏ liu riu. Quả quất sẽ dần căng bóng, chuyển màu vàng óng như viên ngọc sáng màu nắng. Song, vẫn phải đảo thật nhẹ tay. Chờ đến khi nào nước đường trong chảo cạn, cũng là lúc quả quất chuyển sang màu trong vắt. Như vậy mới hoàn thành món mứt quật.
Ảnh chụp màn hình. Nguồn: Hi Huế! Mình là Linh