Váng đậu (tàu hũ ky) là món khoái khẩu của nhiều người Việt khi ăn lẩu, thông thường váng đậu sẽ được chiên lên với dầu trước để giòn hơn, màu đẹp hơn. Một số quán thì vẫn phục vụ váng đậu phơi khô không chiên, màu nhạt nhưng mềm, thanh hơn. Trông mảnh mai và đơn giản vậy nhưng để làm ra váng đậu cần nhiều sự tỉ mẩn.
Theo đó, khi đun sữa đậu nành với lửa nhỏ thì những lớp đậu nhiều chất đạm, chất béo nhất sẽ nổi lên trên. Lớp đậu này tiếp xúc với không khí tạo thành váng. Nhiệm vụ của người thợ là khéo léo tách và nhấc lớp váng này lên sao cho không bị rách, bị quăn.
Lớp váng được tách bằng đũa gỗ hoặc dao nhỏ
Sau đó người thợ sẽ trực tiếp dùng tay không để nhấc lên rồi kẹp lại, phơi lên trên thanh gỗ kê sẵn phía trên.
Những miếng váng đậu đẹp là không bị rách, không bị đọng nước
Cũng nhờ quá trình vớt váng đậu này mà bên Nhật có những nhà hàng cao cấp nảy ra ý tưởng cho khách tự vớt váng đậu. Váng đậu tại Nhật được gọi là Yuba.
Nếu lựa chọn dùng bữa tự làm váng đậu thì thực khách sẽ được phục vụ với một nồi sữa đậu nành đang đun trực tiếp trên bàn. Khách vừa ăn, vừa đợi, khi lớp váng nổi lên sẽ được tự vớt ra rồi chấm trực tiếp vào bát nước chấm nhà hàng chuẩn bị. Yuba khá nhạt, hơi béo ngọt kết hợp với nước chấm mặn cay rất hợp.
Một ví dụ về nhà hàng cho khách tự vớt Yuba tại Nhật
Ngoài ra, các nhà hàng Nhật còn có nhiều sáng tạo khác với váng đậu - được coi là một nguyên liệu thanh đạm, đại diện cho ẩm thực tinh tế, tỉ mẩn. Các món từ váng đậu đều chế biến đơn giản để giữ nguyên hương vị gốc, chủ yếu được trình bày kèm các nguyên liệu tươi mát, tự nhiên.
Một số món ăn cao cấp từ Yuba
Nguồn: Tổng hợp