Một mặt hàng từ Áo liên tục đổ bộ Việt Nam: nhập khẩu tăng 3 chữ số, có mặt trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất xuất khẩu

Khánh Vy |

Trong khi các thị trường khác ghi nhận giảm cả về lượng lẫn kim ngạch, Việt Nam lại tăng nhập khẩu từ quốc gia châu Âu này.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2023, cả nước nhập khẩu 1,39 triệu tấn giấy các loại, tương đương trên 1,29 tỷ USD, giảm 8,3% về lượng và giảm 15,9% về kim ngạch. Giá nhập khẩu bình quân 8 tháng đạt 925,3 USD/tấn, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Riêng tháng 8/2023 nhập khẩu giấy giảm 1% về lượng nhưng tăng 0,5% về kim ngạch so với tháng liền kề trước đó, đạt 175.297 tấn, tương đương hơn 161,7 triệu USD. Giá nhập khẩu giấy các loại trong tháng 8/2023 đạt trung bình 922,3 USD/tấn, giảm 11,1% so với tháng 8/2022.

Về thị trường nhập khẩu, trong khi các thị trường khác đều ghi nhận giảm cả về sản lượng lẫn kim ngạch thì Việt Nam lại bất ngờ tăng nhập từ một quốc gia châu Âu.

Cụ thể, trong tháng 8/2023, nhập khẩu giấy các loại từ Áo đạt 201 tấn với trị giá 332.780 USD, giảm 3,3% về lượng và giảm 23% về trị giá so với tháng 8/2022. Tuy nhiên, tính chung trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu hơn 4,9 triệu USD từ thị trường này với 2.258 tấn, tăng mạnh 213,6% về lượng và tăng 240,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, chiếm hơn 91% tổng lượng cả năm 2022.

Giá nhập khẩu bình quân 8 tháng từ thị trường Áo là 2195,2 USD/tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Một mặt hàng từ Áo liên tục đổ bộ Việt Nam: nhập khẩu tăng 3 chữ số, có mặt trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất xuất khẩu - Ảnh 1.

Việt Nam nhập khẩu giấy chủ yếu từ các nước châu Á, trong đó Trung Quốc là thị trường chủ lực, đứng sau là Hàn Quốc, Indonesia và Nhật Bản. Trong 8T/2023, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 438.458 tấn, tương đương 428,2 triệu USD, giá 976,7 USD/tấn, chiếm 31,3% trong tổng lượng giấy các loại nhập khẩu của cả nước và chiếm 33,1% trong tổng kim ngạch.

Nhập khẩu từ Indonesia 210.554 tấn, tương đương 192 triệu USD, giá nhập khẩu 911,7 USD/tấn, chiếm trên 15% trong tổng lượng và 14,8% tổng kim ngạch nhập khẩu giấy các loại của cả nước.

Nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 202.162 tấn, trị giá 163,1 triệu USD, giá 806,7 USD/tấn, chiếm 14,5% trong tổng lượng và chiếm 12,6% trong tổng kim ngạch. Nhập khẩu từ Nhật Bản đạt 142.132 tấn, tương đương 130,4 triệu USD, chiếm trên 10% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.

Một mặt hàng từ Áo liên tục đổ bộ Việt Nam: nhập khẩu tăng 3 chữ số, có mặt trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất xuất khẩu - Ảnh 2.

Hiện nay khoảng 90% sản lượng ngành giấy sản xuất trong nước là các sản phẩm giấy bao bì phổ thông phục vụ cho các ngành sản xuất công nghiệp. Cả nước có khoảng 500 doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong ngành giấy và số lượng doanh nghiệp thuộc VPPA chỉ có 130 đơn vị nhưng lại chiếm đến 90% công suất toàn ngành.

Từ tháng 9/2022 tới nay doanh nghiệp ngành giấy gặp nhiều khó khăn về đầu ra. Lý do, ngành giấy hiện đang là ngành phụ trợ cho hầu hết các lĩnh vực sản xuất xuất khẩu nên khi các ngành như giầy dép, dệt may, đồ gỗ,… chịu ảnh hưởng và suy giảm đơn hàng đã kéo theo sự sụt giảm trong tiêu thụ giấy bao bì.

Dự kiến, tình trạng khó khăn của ngành giấy sẽ kéo dài đến cuối năm nay và có thể lâu hơn bởi tình hình kinh tế thế giới đang trong trạng thái suy thoái, sức cầu giảm. Kim ngạch xuất khẩu giấy năm 2023 có thể giảm so với kết quả 1 triệu tấn giấy đạt được trong năm 2022. Cơ hội phục hồi chỉ đến khi các ngành sản xuất bắt đầu khôi phục đơn hàng, doanh nghiệp giấy mới có cơ hội vực dậy, “vượt đáy”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại