Ảnh minh họa
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam trong tháng 7/2023 đạt hơn 1 triệu tấn với kim ngạch hơn 732,1 triệu USD, tăng 0,1% về lượng nhưng giảm 10% về trị giá so với tháng 6/2023. Tính chung trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam mang về hơn 4,99 tỷ USD với hơn 6,39 triệu tấn, tăng 18,2% về lượng nhưng giảm 11,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá xuất khẩu bình quân đạt 780 USD/tấn, giảm mạnh 25% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý trong 7 tháng đầu năm, nhiều quốc gia đang ghi nhận tăng mạnh sản lượng sắt thép từ Việt Nam, trong đó phải kể đến Arghentina. Cụ thể trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này sang quốc gia châu Mỹ này đạt 10.986 tấn, thu về hơn 12,4 triệu USD, tăng 1.115% về lượng và tăng 490% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá xuất khẩu sắt thép vào thị trường này đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Trong 7 tháng đầu năm, giá xuất khẩu mặt hàng này vào Arghentina đạt 1.128 USD/tấn, giảm mạnh hơn 1 nửa – tương ứng 112% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên dù chứng kiến mức tăng mạnh trong sản lượng xuất khẩu nhưng quốc gia này chỉ chiếm chưa đến 1% trong cơ cấu xuất khẩu sắt thép các loại của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm.
Trong năm 2022, Việt Nam đã thu về hơn 3 triệu USD từ xuất khẩu sắt thép vào thị trường này với sản lượng 1.238 tấn.
Theo số liệu báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 6/2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,012 triệu tấn, giảm 9,52% so với tháng 5/2023 và giảm 16,2% so với cùng kỳ 2022. Tiêu thụ thép các loại đạt 2,161 triệu tấn, giảm 6,41% so với tháng trước và giảm 4% so với cùng kỳ 2022.
Tính đến hết tháng 6/2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 13,103 triệu tấn, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tiêu thụ thép thành phẩm đạt 12,481 triệu tấn, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trên thị trường thế giới, sản lượng thép thô thế giới của 63 quốc gia báo cáo với Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) là 158,8 triệu tấn trong tháng 5 năm 2023.
Nhu cầu thép của Trung Quốc đã tăng trở lại nhưng vẫn thấp hơn so với năm trước. Hầu hết các ngành đều cho thấy sự cải thiện nhờ xuất khẩu khả quan và hỗ trợ của Chính phủ đối với đầu tư cơ sở hạ tầng.
Nhu cầu thép sản xuất ngoại trừ các lĩnh vực liên quan đến bất động sản được cho là sẽ “tăng trưởng tốt” trong thời gian còn lại của năm 2023. Tuy nhiên, sản lượng thép tăng cao sẽ tiếp tục làm giảm lợi nhuận của các nhà sản xuất thép. Nhu cầu thép từ ngành đóng tàu sẽ vẫn mạnh trong thời gian còn lại của năm 2023 do lượng lớn đơn đặt hàng đóng tàu đã nhận được trong vài năm qua.