Một loạt quốc gia đã chung tay “đốt” hơn 100 tỉ USD để xây dựng công trình đắt giá nhất hành tinh nhưng mới chỉ có hơn 250 người tới ghé thăm

Tất Đạt |

Công trình này là công sức chung của nhiều quốc gia trên thế giới, được tạo ra để thực hiện những dự án không thể làm trên Trái Đất.

Một loạt quốc gia đã chung ta “đốt” hơn 100 tỉ USD để xây dựng công trình đắt giá nhất hành tinh nhưng mới chỉ có hơn 250 người tới ghé thăm- Ảnh 1.

Chi phí đắt đỏ

Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) là một dự án đa quốc gia và cũng là công trình đơn lẻ lớn nhất mà loài người từng đưa vào vũ trụ. Phần chính của trạm được hoàn thành từ năm 1998 đến năm 2011 và trạm được liên tục nâng cấp nhằm thực hiện các nhiệm vụ và thí nghiệm mới. ISS luôn có người túc trực kể từ ngày 2/11/2000.

Theo các nguồn tin, bên cạnh khoản đầu tư ban đầu lên tới hơn 100 tỷ USD, ISS còn tiêu tốn khoảng 3 tỷ USD mỗi năm để NASA vận hành - gần bằng 1/3 ngân sách cho các chuyến bay vào vũ trụ của con người. Tính đến tháng 5/2022, đã có 258 cá nhân từ 20 quốc gia đã đến thăm ISS. Các quốc gia đưa người lên trạm nhiều nhất gồm có Mỹ (158 người) và Nga (54 người). Thời gian của phi hành gia và thời gian nghiên cứu trên trạm vũ trụ được phân bổ cho các quốc gia tùy theo số tiền hoặc nguồn lực (chẳng hạn như mô-đun hoặc robot) mà họ đóng góp.

Theo Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), ISS không thuộc sở hữu của bất kì một quốc gia đơn lẻ nào và trạm này nhận được sự đóng góp từ tổng cộng 15 nước trên thế giới. NASA (Mỹ), Roscosmos (Nga) và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu là những đối tác chính của trạm vũ trụ và đóng góp phần lớn kinh phí; các đối tác khác là Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản và Cơ quan Vũ trụ Canada. Ngoài ra, các phi hành gia từ các quốc gia khác như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng thỉnh thoảng bay tới ISS.

Một loạt quốc gia đã chung ta “đốt” hơn 100 tỉ USD để xây dựng công trình đắt giá nhất hành tinh nhưng mới chỉ có hơn 250 người tới ghé thăm- Ảnh 2.

Điểm độc đáo của trạm vũ trụ này là ISS cho phép các thí nghiệm được tiến hành trong môi trường vi trọng lực, một môi trường không bao giờ có thể được tạo ra ở bất kỳ phòng thí nghiệm nào trên Trái đất. Trên thực tế, NASA luôn liệt kê đặc điểm này trong các trang viết về nghiên cứu khoa học được thực hiện trên trạm vũ trụ. Nghiên cứu vi trọng lực là một lĩnh vực khoa học hoàn toàn mới liên quan đến nhiều ngành khác nhau. Một trong những cống hiến khoa học được quan tâm nhất trên ISS là công nghệ in 3D nội tạng cho bệnh nhân cần cấy ghép. Đặc điểm này khiến số tiền bỏ ra để xây dựng và bảo trì ISS trở nên quý giá và xứng đáng với các khoản đầu tư.

Giá trị nghiên cứu lớn

Raphael Grau, chuyên gia cấp cao tại NASA, cho biết ISS có chiều dài từ đầu đến cuối là 109 mét, nặng 419.725 kg nếu không có phương tiện ghé thăm. Chỉ riêng các tấm pin mặt trời đã rộng tới 4.000 mét vuông. Có 387 mét khối thể tích sinh hoạt cho các thành viên phi hành đoàn, không bao gồm các phương tiện tham quan. Trạm vũ trụ quay quanh Trái đất ở độ cao khoảng 402 km và có thể được nhìn thấy bằng mắt thường vào lúc hoàng hôn hoặc bình minh khi trạm bay qua một khu vực với bầu trời trong và ít mây.

Trạm vũ trụ có 7 chỗ ngủ, có thể bổ sung thêm trong thời gian phi hành đoàn bàn giao, 2 phòng tắm, có phòng tập thể dục và mái vòm - cửa sổ lồi nhìn 360 độ ra Trái đất.

Phòng ngủ trên ISS thường có giường tầng nhỏ. Các phi hành gia buộc mình vào một bức tường hoặc để mình trôi nổi tự do trong không gian nhỏ, tùy theo sở thích của họ.

ISS là nền tảng cho nghiên cứu lâu dài về sức khỏe con người, được NASA coi là bước đệm quan trọng để cho phép con người khám phá các điểm đến khác trong hệ mặt trời như mặt trăng hoặc sao Hỏa. Cơ thể con người thay đổi trong môi trường vi trọng lực, bao gồm những thay đổi về cơ, xương, hệ tim mạch và mắt; nhiều cuộc điều tra khoa học đang cố gắng mô tả mức độ nghiêm trọng của những thay đổi và liệu chúng có thể ngăn chặn được hay không.

Một loạt quốc gia đã chung ta “đốt” hơn 100 tỉ USD để xây dựng công trình đắt giá nhất hành tinh nhưng mới chỉ có hơn 250 người tới ghé thăm- Ảnh 3.

Các phi hành gia cũng tham gia thử nghiệm các sản phẩm - chẳng hạn như máy pha cà phê espresso hoặc máy in 3D - hoặc thực hiện các thí nghiệm sinh học, chẳng hạn như trên loài gặm nhấm hoặc thực vật mà các phi hành gia có thể trồng và đôi khi ăn trong không gian. Là phòng thí nghiệm vi trọng lực duy nhất còn tồn tại, ISS đã tạo điều kiện cho hơn 3.600 nhà nghiên cứu tiến hành hơn 2.500 thí nghiệm cho đến nay.

Được biết, kế hoạch trước mắt cho thấy Nga sẽ rút lui sau năm 2024 để tập trung xây dựng trạm vũ trụ của riêng nước này vào khoảng năm 2028. Trạm sẽ vận hành như thế nào sau khi Nga rời đi vẫn chưa được xác định. Sau năm 2030, kế hoạch cho Trạm vũ trụ quốc tế cũng không được vạch ra rõ ràng. Nó có thể bị hủy bỏ hoặc tái chế cho các trạm vũ trụ thương mại trong tương lai trên quỹ đạo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại