Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, sau khi sụt giảm trong tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang EU đã tăng trưởng liên tục trong nhiều tháng sau đó - thời điểm các hạn ngạch ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) được khởi động lại. Có thời điểm, kim ngạch xuất khẩu tăng tới mức 3 con số so với cùng kỳ.
Các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất được sang 22 nước trong khối EU. Trong đó, Đức, Hà Lan và Italy là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất của cá ngừ đóng hộp của Việt Nam. Năm 2023, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang cả 3 nước kể trên đều tăng trưởng mạnh, trong đó Italy đứng đầu với mức tăng trưởng 456% so với năm 2022. Tính chung cả năm 2023, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang EU đạt khoảng 71 triệu USD, tăng 28% so với năm 2022.
Sự gia tăng nhập khẩu này là do kinh tế suy thoái khiến cho người dân các quốc gia châu Âu thắt chặt tiêu dùng hơn, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy sản có giá rẻ như cá ngừ đóng hộp tăng.
Bên cạnh cá ngừ và thủy sản, các mặt hàng của Việt Nam được châu Âu ưa chuộng còn bao gồm cà phê, hạt điều, gỗ và các sản phẩm gỗ, hàng thủy sản, giày dép các loại,...
Theo các doanh nghiệp trong ngành thủy sản, việc EU tăng nhập khẩu cá ngừ đóng hộp từ Việt Nam là do giá nhập khẩu trung bình các sản phẩm cá ngừ đóng hộp trong nội khối EU cao nên các nước EU có xu hướng tăng cường nhập khẩu cá ngừ từ bên ngoài. Bên cạnh đó, hiện tượng El Niño gây ra hạn hán tại kênh đào Panama trong thời điểm cuối năm 2023 và điều này đã cản trở các lô hàng xuất khẩu cá ngừ của Ecuador sang châu Âu.
Sau khi về đích năm 2023 ở mức 9,2 tỷ USD, bằng 92% mục tiêu đề ra từ đầu năm, ngành thủy sản đặt mục tiêu thận trọng cho năm 2024 với kim ngạch xuất khẩu đạt 9,5 tỷ USD, tăng 3% so với 2023. Năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1,3 triệu ha, tổng sản lượng thủy sản khoảng 9,22 triệu tấn.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định, kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, lạm phát giảm nhưng vẫn chưa về mức mục tiêu của các nước, lãi suất cao... vẫn là những yếu tố ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Do đó, người tiêu dùng sẽ chưa thực sự mạnh tay trong quyết định chi tiêu, nhu cầu tiêu dùng thủy sản toàn cầu khó tăng mạnh trong thời gian tới.
Với những tín hiệu từ cuối năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang một số thị trường như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc... có khả năng phục hồi trở lại trong các tháng đầu năm 2024. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành vẫn tiếp tục nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu hàng thủy sản.