Một loại công nghệ vừa quen vừa lạ của Trung Quốc đang khiến cả thế giới sửng sốt

Mạnh Kiên |

Sở hữu công nghệ đi đầu trên thế giới, thậm chí còn vượt cả Mỹ, Trung Quốc đã biến ngành công nghiệp "địa ngục trần gian" thành thứ chỉ có trong phim viễn tưởng.

Địa ngục trần gian

Đối với thợ khai thác than truyền thống, công việc đang làm giống như thể địa ngục trần gian.

Đi sâu vào bóng tối 100m dưới lòng đất qua những đường hầm hẹp, người thợ mỏ đào "vàng đen" giữa những đám mây bụi, mồ hôi và tiếng ồn vỡ vụn từ những chiếc máy cắt khổng lồ dùng để cắt đá.

Loại hình khai thác mỏ được coi là một trong những công việc đòi hỏi nhiều quy chuẩn khắt khe nhất ở Trung Quốc và có các quy định đặc biệt trong luật cho phép công nhân nghỉ hưu ở tuổi 55 thay vì 60.

Hoạt động trong mỏ cũng cực kỳ nguy hiểm, với những vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của hàng trăm người mỗi năm.

Vào tháng 2, một mỏ than lộ thiên bị sập ở Nội Mông, khiến ít nhất 53 người thiệt mạng hoặc mất tích. Theo dữ liệu chính thức, trong số 367 vụ tai nạn mỏ và 518 trường hợp tử vong tại mỏ được báo cáo ở Trung Quốc vào năm ngoái, 168 vụ tai nạn và 245 trường hợp tử vong liên quan cụ thể đến các mỏ than.

Tuy nhiên, một loại công nghệ mới đang chuyển đổi ngành khai thác than của Trung Quốc.

Fu Shaohui là một công nhân khai thác than ở tỉnh Thiểm Tây, phía bắc Trung Quốc. Anh làm việc tại mỏ than Hongliulin, một trong những mỏ lớn nhất cả nước, nơi đã áp dụng các công nghệ cảm biến, hình ảnh và điều khiển tự động từ xa để khai thác than hiệu quả và an toàn hơn.

Điều này giúp Fu không cần phải chui xuống lòng đất thường xuyên như trước.

Giờ đây, máy đào được vận hành từ phòng điều khiển trên mặt đất, nơi các video phát trực tiếp và dữ liệu thời gian thực được hiển thị trên nhiều màn hình, bao gồm cả nhiệt độ và lượng khí. Cuộc cách mạng công nghệ này được hỗ trợ bởi cơ sở hạ tầng mạng 5G của Huawei Technologies.

Với sự trợ giúp của bốn trạm 5G chống cháy nổ được lắp đặt giữa các trụ thủy lực dưới lòng đất, Fu và sáu thợ mỏ khác có thể thực hiện cuộc gọi video để liên lạc với các đồng nghiệp trong phòng điều khiển phía trên khi họ giám sát sản xuất và tiến hành bảo trì định kỳ.

Điều này đánh dấu một sự thay đổi lớn so với việc phải vận hành máy thủ công hàng giờ liền. Họ cũng có thể thỉnh thoảng tổ chức các cuộc trò chuyện video với bạn bè và gia đình trong lúc nghỉ.

"Chúng tôi từng có 13 người dưới mặt đất trong một ca làm việc, nhưng giờ chỉ còn 7 người. Chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ chỉ cần 5 người làm việc dưới lòng đất", Fu nói.

Một loại công nghệ vừa quen vừa lạ của Trung Quốc đang khiến cả thế giới sửng sốt - Ảnh 1.

Công nghệ 5G phát huy

Sự hợp tác giữa Huawei và tập đoàn mỏ thuộc sở hữu nhà nước Shaanxi Coal chỉ là một ví dụ về nâng cấp kỹ thuật số của nền kinh tế Trung Quốc. Đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, chuyển đổi các ngành công nghiệp truyền thống cũng quan trọng như phát triển các ngành công nghiệp mới.

Trong lúc mảng kinh doanh điện thoại thông minh sinh lợi một thời của Huawei bị ngừng trệ do các lệnh trừng phạt thương mại cắt đứt khả năng tiếp cận chip cao cấp, gã khổng lồ viễn thông chuyển hướng sang cung cấp các giải pháp công nghiệp.

Huawei đã thành lập một số nhóm kinh doanh được gọi là quân đoàn để phục vụ nhiều ngành công nghiệp như cảng và bệnh viện. Khai thác mỏ là ngành đầu tiên mà Huawei nhắm đến.

Xu Jun, giám đốc công nghệ thuộc bộ phận kinh doanh vận hành mỏ của Huawei, cho biết ngành công nghiệp khai thác than là "trái ngọt dễ hái" đối với công ty.

Theo Shi Chao, người đứng đầu bộ phận khai thác thông minh tại mỏ than Hongliulin, nâng cấp thông minh đã giúp giảm một nửa số lượng công nhân cần thiết dưới lòng đất và giảm đáng kể khối lượng công việc, do người khai thác chỉ cần can thiệp khi có vấn đề phát sinh.

"Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là hoàn toàn không có công nhân làm việc dưới lòng đất", Shi nói với các phóng viên.

Là quốc gia sản xuất than lớn nhất thế giới với 4.000 mỏ, Trung Quốc đặt mục tiêu biến các mỏ quy mô lớn và nguy hiểm nhất trở nên "thông minh" vào năm 2025, và cuối cùng là triển khai hiện đại hóa cho tất cả các mỏ than vào năm 2035.

Một loại công nghệ vừa quen vừa lạ của Trung Quốc đang khiến cả thế giới sửng sốt - Ảnh 2.

Ứng dụng tương lai

Hiện tại, hơn 1.000 mỏ than đang hoạt động đã được nâng cấp thông minh, với 620 triệu tấn sản lượng hàng năm, theo dữ liệu của Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia được công bố trong tháng 5. Theo đó, đến cuối năm 2022, tổng vốn đầu tư vào phát triển mỏ thông minh ở Trung Quốc đạt gần 200 tỷ nhân dân tệ.

Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu kế hoạch phát triển 5G trên toàn quốc vào tháng 6 năm 2019, ba nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất của quốc gia này đã xây dựng mạng 5G rộng khắp được hỗ trợ bởi hơn 2,6 triệu trạm gốc 5G tính đến cuối tháng 3 năm nay.

5G được coi là một lực lượng mang tính cách mạng trong số hóa các ngành công nghiệp nặng truyền thống, chẳng hạn như khai thác mỏ, cảng và thép.

Trong dự án của Huawei với Shaanxi Coal, nhà sản xuất thiết bị viễn thông này không chỉ lắp đặt các trạm cơ sở 5G mà còn cung cấp các khả năng điện toán đám mây và AI để cùng nhau tạo ra một bản sao kỹ thuật số của hoạt động ngầm trên một nền tảng trực tuyến trong phòng chỉ huy.

Ai Zhonghua, kỹ sư của Huawei đứng đầu dự án mỏ Hongliulin, cho biết thách thức lớn nhất là thống nhất các tiêu chuẩn dữ liệu được thu thập từ máy móc, cảm biến, máy ảnh và nhiều thiết bị do các nhà cung cấp khác nhau sản xuất, và cuối cùng cho phép chúng kết nối với nhau.

Với các tiêu chuẩn thống nhất, hệ thống quản lý để kết nối 2.700 thiết bị ngầm và truyền 170 triệu mẩu dữ liệu mỗi ngày đến phòng chỉ huy ở Hongliulin.

Một hệ thống tương tự cũng được triển khai ở Xiaobaodang, một mỏ than cách Hongliulin 70 km, đặt nền móng cho cuộc thử nghiệm thí điểm đối với ô tô tự lái dưới lòng đất.

Khi đi vào hoạt động, người khai thác có thể gọi xe đưa đón không người lái, được kích hoạt bởi 5G, thông qua điện thoại thông minh, để di chuyển qua các đường hầm dưới lòng đất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại