Một loại cây lấy vỏ đưa Việt Nam trở thành ông trùm mặt hàng đặc biệt này của thế giới: VN trồng hơn 180.000 ha, là cây gia vị lâu đời nhất thế giới

Như Quỳnh |

Nhờ trợ lực từ Indonesia và Trung Quốc, nước ta đã thu hàng trăm triệu USD mỗi năm từ loại cây này.

Ảnh minh họa

Việt Nam sở hữu một loại cây thân gỗ, dễ chăm sóc mang lại hiệu quả kinh tế cao chính là cây quế. Theo thống kê, diện tích trồng quế của Việt Nam lên tới 180.000 ha tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Trữ lượng vỏ quế Việt Nam ước tính khoảng 900.000 - 1.200.000 tấn, sản lượng thu hoạch bình quân 70.000 – 80.000 tấn/năm. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu quế số 1 trên thế giới với kim ngạch đạt trên 292 triệu USD vào năm 2022.

Tuy nhiên bên cạnh sản lượng trồng trong nước, nước ta còn nhập khẩu một lượng quế từ các nước láng giềng để phục vụ xuất khẩu. Cụ thể theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), nhập khẩu quế của Việt Nam trong tháng 7/2024 đạt 245 tấn với kim ngạch đạt 0,7 triệu USD, giảm 13,1% về lượng so với tháng 6. Indonesia và Trung Quốc là 2 quốc gia cung cấp quế chủ yếu cho Việt Nam lần lượt đạt 148 tấn và 54 tấn.

Lũy kế 7 tháng đầu năm nước ta nhập khẩu 2.979 tấn quế, kim ngạch đạt hơn 7,1 triệu USD, so với cùng kỳ lượng nhập khẩu đã giảm đến 75,2%. Trong đó nhập khẩu từ Indonesia đạt 1.299 tấn và nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 1.242 tấn.

Nguồn: VPA

Về Indonesia, trong năm 2022 quốc gia này đã thu về từ xuất khẩu quế hơn 157 triệu USD, trở thành nước xuất khẩu thứ 4 của thế giới. Điểm đến chính của quế Indonesia là Mỹ, Hà Lan, Việt Nam, Thái Lan và thị trường Đức.

Tại Việt Nam, trồng quế hiện đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu vùng xa, đồng thời đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Quế là loại cây gia vị lâu đời nhất thế giới, được phát hiện đầu tiên ở Trung Quốc.

Hiện nay có một số ít quốc gia trồng được bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Indonesia, Sri Lanka và Nam Mỹ. Cây có nhiều tác dụng trong sản xuất và cuộc sống như sử dụng làm gia vị, làm hương liệu, làm thuốc chữa bệnh, sử dụng để chế biến thức ăn, nuôi gia súc, gia cầm hoặc sử dụng làm phân bón…

Trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu gần 90.000 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 260 triệu USD, tăng 14,6% về sản lượng nhưng giảm 10,7% về giá trị so với năm 2022. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam trong năm 2023 là Ấn Độ, Mỹ, Bangladesh,...

Nhu cầu về gia vị của thế giới vẫn ở mức cao, không chỉ trong ngành thực phẩm mà còn được tiếp tục nghiên cứu và phát triển ứng dụng trong ngành dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... Việt Nam đã có hàng chục công ty đầu tư dây chuyền chế biến quế hiện đại, cho ra sản phẩm quế xay, quế bột để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Không chỉ sở hữu riêng cây quế, Bộ Công Thương cho biết, trên bản đồ dược liệu thế giới, Việt Nam được đánh giá có nguồn dược liệu đa dạng, tỷ lệ dược liệu tự nhiên quý hiếm vẫn còn khá phong phú. Theo thống kê, hiện nước ta có khoảng trên 5.100 loài cây dược liệu, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế.

Ngoài ra, với 16 hiệp định FTA mà Việt Nam đang tham gia, có nhiều hiệp định tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTTP, CREP đã giúp Việt Nam có lợi thế hơn so với một số nước khác về thuế. Đây là điều kiện, thời cơ hết sức thuận lợi để các sản phẩm quế của Việt Nam ngày càng tiến xa hơn trên thị trường quốc tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại