Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh để giành quyền khai thác các mỏ đất hiếm ở Mỹ Latin nhưng có vẻ như Mỹ đã không thành công trong việc có chỗ đứng tại khu vực gọi là “tam giác lithium” ở Argentina, Chile và Bolivia.
Châu Phi có trữ lượng lớn khoáng sản đất hiếm nhưng nhìn chung bất ổn chính trị làm giảm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tiềm năng. Do đó, “chiến trường” nóng nhất cho các hợp đồng khai thác đất hiếm đang nổi lên ở Trung Á.
Kazakhstan, Uzbekistan và Tajikistan là nơi có trữ lượng khoáng sản đất hiếm đầy giá trị và sở hữu điều kiện chính trị, kinh tế mà phương Tây đang tìm kiếm.
“Không giống các nước phương Tây, các chính phủ Trung Á rất hào hứng với triển vọng biến các mỏ khoáng sản đất hiếm và kim loại hiếm khổng lồ thành nguồn thu mới cho nền kinh tế địa phương”, trang The Interpreter đưa tin.
Theo báo cáo từ Dario, Kazakhstan đang “thực hiện các bước đi chiến lược để củng cố vị thế của mình trên thị trường pin xe điện (EV) toàn cầu bằng cách tăng sản lượng các kim loại quan trọng”. Tổng thống Kazakhstan Kasym-Jomart Tokayev thậm chí còn gọi những vật liệu này là “dầu mỏ mới”. Quốc gia rộng lớn này đã ký thỏa thuận với EU và Anh, cũng có khả năng trở thành đối tác của Mỹ.
Vấn đề lúc này là các cường quốc phương Tây không phải ông lớn duy nhất để mắt đến nguồn tài nguyên phong phú của Trung Á. Trung Quốc và Nga cũng đang háo hức khai thác những thị trường mới nổi này và họ sở hữu một số lợi thế cạnh tranh nhất định.
“Do lịch sử, địa lý, văn hóa, các quốc gia Trung Á có nhiều sự gắn bó hơn với Nga và Trung Quốc”, Interpreter đưa tin.
Bắc Kinh đã và đang tiến hành mua lại quyền khai thác đất hiếm tại các thị trường mới nổi trong nhiều năm nay, dẫn đến việc họ gần như làm chủ hoàn toàn chuỗi cung ứng cho mặt hàng này.
Trung Quốc hiện sở hữu 34% lượng đất hiếm toàn cầu, thực hiện 70% hoạt động khai thác tính đến năm 2022 và chiếm ít nhất 85% năng lực trong việc chế biến quặng đất hiếm thành vật liệu sản xuất. Họ luôn muốn giữ vững vị trí là nhà sản xuất quặng đất hiếm nặng lớn nhất hành tinh nhờ nhiều thập kỷ đầu tư.
Vai trò quá lớn của Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào hàng xuất khẩu của quốc gia này để đáp ứng các mục tiêu năng lượng và khí hậu toàn cầu. Để cạnh tranh với Trung Quốc và giảm bớt sự mất cân bằng này, các cường quốc khác đang phải tăng cường nỗ lực để đảm bảo các hợp đồng cung cấp đất hiếm từ các nguồn khác.
Việc giảm phát thải carbon trên toàn cầu đòi hỏi cơ sở hạ tầng năng lượng sạch từ các tấm pin mặt trời, tua bin gió đến pin lithium-ion để lưu trữ năng lượng và cung cấp cho xe điện. Tất cả đòi hỏi rất nhiều vật liệu, đặc biệt là kim loại thuộc loại “đất hiếm”.
Thuật ngữ khoáng sản đất hiếm thực tế không phải ánh đúng vì những nguyên tố này không thực sự hiếm. Tuy nhiên, năng lực sản xuất toàn cầu hiện tương đối hạn chế so với nhu cầu vì nhu cầu loại vật liệu này chỉ mới tăng vọt gần đây.
Nguồn: OilPrice