Thu phí không dừng hay thu phí điện tử (ETC) là hệ thống quản lý giao thông thông minh được nhiều nước trên thế giới sửa dụng. Na Uy là nước tiên phong áp dụng ETC rộng rãi từ 1986. Italy là nước đầu tiên trên thế giới triển khai hệ thống này trên đường cao tốc ở quy mô quốc gia từ năm 1989. Như vậy, hệ thống thu phí không dừng điện tử (ETC) đã được thế giới triển khai được 35 năm.
Trong khi đó, vào tháng 8/2022, Việt Nam chính thức áp dụng thu phí không dừng ETC trên toàn bộ mạng lưới cao tốc. Thực tế, Việt Nam đã thí điểm triển khai từ năm 2015 nhưng đến năm 2022 mới triển khai diện rộng.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, dịch vụ thu phí tự động đường bộ VETC ở Việt nam được áp dụng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) sử dụng sóng radio để nhận diện tự động phương tiện xe cơ giới., từ đó có thể dễ dàng giám sát, quản lý và lưu vết từng giao dịch của phương tiện. Kết hợp cùng hệ thống thanh toán điện tử cho các giao dịch đã được xác minh, dịch vụ thu phí tự động đường bộ VETC đảm bảo lưu thông không dừng của phương tiện qua trạm thu phí với tỷ lệ chính xác đạt 99.98%.
Công nghệ này đồng thời đã chứng minh sự ưu việt của nó trong các mô hình giao thông thông minh, đặc biệt ở các nước có hạ tầng giao thông và xã hội gần tương tự Việt Nam như Malaysia, Indonesia, Philippines…
Theo đó, Nội Bài - Lào Cai là tuyến cao tốc đầu tiên nằm ngoài hệ thống cao tốc bắc-nam phía đông và là tuyến cao tốc nối miền ngược với miền xuôi duy nhất trên cả nước đưa vào vận hành hệ thống thu phí ETC. Tổng công ty Ðầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Công ty cổ phần Tasco đã thi công hệ thống ETC trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Sau đó, Công ty TNHH Thu phí tự động VETC được thành lập với mục tiêu trở thành nhà đầu tư và vận hành hệ thống thu phí tự động ETC tại Việt Nam, đã triển khai ETC tại 4 tuyến cao tốc với 28 trạm thu phí, 132 làn chỉ trong vòng 50 ngày trong quý II/2022 (tương đương khối lượng 5-7 năm triển khai từ trước). Phó Tổng Giám đốc Công ty VETC cho biết, đây là một kỷ lục ETC tại Việt Nam, so với trước đây, để lắp đặt 1 trạm ETC phải mất tới 60 ngày.
Một kỷ lục ETC khác đã được xác lập khác là tại tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình và tuyến cao tốc Long Thành – Dầu Giây có lượng giao thông qua lại lớn nhưng không xảy ra tình trạng tắc đường từ khi có hệ thống này.
Đến nay, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn làm chủ công nghệ ETC, từ thiết kế, lắp đặt đến khai thác và vận hành. Theo thống kê của VETC, sau hơn 2 năm thực hiện triển khai thu phí không dừng, tính đến ngày 15/4/2024, cả nước đã có gần 5,5 triệu xe đã dán thẻ, đạt khoảng 97% tổng số phương tiện lưu thông trong cả nước; 169 trạm thu phí với 931 làn áp dụng hình thức thu phí không dừng, nâng tổng số lượng giao dịch mỗi ngày lên 1,3-1,5 triệu. Trên các tuyến cao tốc, ETC đã được triển khai hoàn toàn, các tuyến quốc lộ chỉ còn 1 làn hỗn hợp/chiều, còn lại là thu phí thuần ETC.
Theo PGS. TS Vũ Minh Khương, việc triển khai thu phí điện tử không dừng (ETC) mang lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam 5,3 tỷ USD đến năm 2030. Trong đó, chi phí nhiên liệu tiết kiệm được gần 950 triệu USD, nhân công giảm khoảng 2,2 tỷ USD và tiết kiệm hơn 1,6 tỷ USD từ tuổi thọ phương tiện.
Ngoài ra, việc chuyển đổi này giúp giảm đáng kể thời gian di chuyển, loại bỏ tình trạng tắc nghẽn giao thông tại các trạm thu phí, giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và khí thải tương đương CO2. Hiện nay, hai công nghệ thu phí tự động được triển khai là RFID và DSRC, tùy thuộc nhu cầu và khả năng cơ sở hạ tầng ở từng thị trường. Tuy nhiên, RFID - công nghệ đang áp dụng tại Việt Nam vượt trội hơn DSRC về thị phần và tốc độ tăng trưởng, PGS. TS Vũ Minh Khương cho biết thêm.