Dự án Hado Centrosa Garden có diện tích 6,85 ha, tọa lạc trên đường 3/2, trung tâm Q.10, TP.HCM, với tổng mức đầu tư đứng đầu trong số 10 dự án điển hình mà Hà Đô đang triển khai, đạt giá trị 7.000 tỉ đồng.
Hado Centrosa Garden ở trung tâm TPHCM gánh vác 85% doanh thu bất động sản, doanh nghiệp đẩy mạnh M&A vì quỹ đất hạn hẹp
Tập đoàn Hà Đô (mã chứng khoán HDG) kết thúc năm tài chính 2018 với doanh thu đạt 3.222 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 787,5 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước tới nay, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 40,5% và 188,2% so với năm 2017. Hiện doanh nghiệp này đang vận hành và quản lý 60.000m2 sàn văn phòng và diện tích cho thuê.
Doanh thu bất động sản năm 2018 ghi nhận được trong báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất của Hà Đô là trên 1.863 tỉ đồng (chiếm gần 58% tổng doanh thu).
Điều đáng nói là có đến 1.662 tỉ đồng doanh thu từ bàn giao 2 tòa tháp Orchids của dự án Hado Centrosa Garden, Quận 10, TP.HCM và hơn 200 tỉ đồng từ dự án Hado Riverside, Quận 12, TP.HCM.
Tập đoàn Hà Đô bán được gần như toàn bộ sản phẩm thuộc dự án Hado Centrosa, với tỷ lệ 100% đối với thấp tầng và 99% đối với cao tầng. Một mình dự án "khủng" này đã đóng góp đến 85% doanh thu bất động sản và 51,6% tổng doanh thu cho doanh nghiệp.
Dự kiến, tổng giá trị doanh thu của dự án Hado Centrosa khoảng 10.700 tỉ đồng, trong đó, 2 tháp Jasmine sẽ ghi nhận doanh thu vào năm 2019 và 4 tháp IRIS ghi nhận vào năm 2020.
Bên cạnh đó, các dự án trọng điểm khác như Hado Dragon City (An Khánh - An Thượng, Hà Nội), Hado Green Lane (Quận 8,TP.HCM), Nongtha Central Park (Thủ đô Viêng chăn, Lào) tiếp tục được triển khai đầu tư và hoàn thiện các thủ tục pháp lý để mở bán trong năm nay.
Năm vừa qua, ngoài doanh thu lớn từ các dự án trọng điểm tại nhiều khu vực đất vàng, Tập đoàn Hà Đô liên tục chi hàng trăm tỉ đồng để thâu tóm hàng loạt doanh nghiệp bất động sản và kinh doanh ngoài ngành, thông qua đó sở hữu thêm nhiều quỹ đất vàng ở hai thành phố lớn nhất cả nước.
Hoạt động M&A diễn ra ồ ạt trong bối cảnh quỹ đất tại Hà Nội và TP.HCM được báo cáo thường niên năm 2018 đánh giá là "đang ngày càng trở nên hạn hẹp đối với các ông chủ lớn trong ngành bất động sản".
Trong 10 dự án điển hình của Hà Đô, dự án Hado Centrosa Garden - Q.10, TP.HCM đứng đầu với tổng mức đầu tư 7.000 tỉ đồng.
Mua tất tần tật công ty mua bán nợ, thiết bị giáo dục, bất động sản để sở hữu nhiều dự án khủng tại trung tâm của các đại đô thị
Trong thông điệp gửi đến các cổ đông, ông Nguyễn Trọng Thông - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hà Đô, khẳng định: "Tập đoàn đã phát triển quỹ đất thông qua việc mua lại Công ty CP Thiết bị Giáo dục 1, Công ty CP Đầu tư bất động sản Bình An Riverside và Công ty TNHH mua bán nợ Minh Long Sài Gòn".
Việc mua, chi phối 100% Công ty TNHH Mua bán nợ Minh Long Sài Gòn và 98,77% Công ty CP Thiết bị giáo dục 1 đã bổ sung vào quỹ đất của Hà Đô thêm 2,7 ha tại Linh Trung (Q.Thủ Đức, TP.HCM) và 2,3 ha tại 62 Phan Đình Giót – Hà Nội, nâng tổng quỹ đất của doanh nghiệp lên hơn 130 ha.
Tuy nhiên, thương vụ M&A điển hình trong năm tài chính 2018 của Hà Đô là việc mua 70% cổ phần của Công ty CP Đầu tư bất động sản Bình An Riverside từ bên thứ ba, với tổng trị giá là 160 tỉ đồng.
Tập đoàn Hà Đô thông tin rằng đã thanh toán 153 tỉ đồng cho đối tác, phần còn lại sẽ thanh toán sau khi Bình An Riverside xin cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận việc miễn trừ một số nghĩa vụ liên quan đến dự án đầu tư xây dựng công trình chung cư cao tầng Bình An (Quận 8, TP.HCM).
Cũng trong năm 2018, Hà Đô lại tiếp tục chi 80,4 tỉ đồng mua nốt 29% cổ phần của Bình An Riverside từ một cổ đông cũ và Bình An Riverside chính thức trở thành công ty con của Hà Đô.
Như vậy, Tập đoàn Hà Đô chi tổng cộng hơn 240 tỉ đồng để sở hữu 99% cổ phần của Bình An Riverside, đồng nghĩa với việc tiếp cận dự án bất động sản tại quận 8, TP.HCM.
Hiện tại, dự án Hado Centrosa Garden có diện tích 6,85 ha, tọa lạc trên đường 3/2, trung tâm Q.10, TP.HCM, với tổng mức đầu tư đứng đầu trong số 10 dự án điển hình mà Hà Đô đang triển khai, đạt giá trị 7.000 tỉ đồng.
Năm 1990, Hà Đô được thành lập với tư cách là xí nghiệp xây dựng trực thuộc Viện Kỹ thuật Quân sự - Bộ Quốc Phòng và chính thức tham gia lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản sau đó bốn năm.
Năm 2009, Hà Đô bắt đầu vận hành nhà máy Thủy điện Za Hưng có công suất 30MW. Tới năm 2016, doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi các xí nghiệp thành viên thành các công ty cổ phần và chính thức đầu tư thủy điện.
Hà Đô đánh cồng niêm yết trên thị trường chứng khoán vào năm 2010. Bảy năm sau, Bộ Quốc phòng chính thức thoái hết vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này.