Hội đồng thành phố Ishigaki, tỉnh Okinawa đã thông qua một đạo luật thay đổi tình trạng hành chính của một nhóm đảo không có người ở, cách thủ đô Tokyo 1.200 dặm (1.931 km) về phía tây nam.
Theo CNN, chuỗi đảo này, được Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, do Tokyo quản lý từ năm 1972, nhưng cả Tokyo và Bắc Kinh đều cho rằng yêu sách của họ đối với nhóm đảo này có từ hàng trăm năm trước.
Trung Quốc đã cảnh báo trước cuộc bỏ phiếu hôm thứ Hai rằng họ phản đối bất kỳ thay đổi nào về hiện trạng của các đảo.
"Đảo Điếu Ngư và các đảo phụ của nó là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc", một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Sáu tuần trước cho biết. "Chúng tôi yêu cầu Nhật Bản tuân thủ tinh thần đồng thuận bốn nguyên tắc, tránh tạo ra các sự cố mới về vấn đề quần đảo Điếu Ngư và có những hành động thiết thực để duy trì sự ổn định của tình hình Biển Hoa Đông."
Bỏ qua lập trường Bắc Kinh
Một trong bốn nguyên tắc đó là Nhật Bản thừa nhận chủ quyền đối với các đảo này là vấn đề nằm trong diện tranh chấp.
Nhưng dự luật được thông qua hôm thứ Hai tại Ishigaki đã bỏ qua mọi lo ngại về cách Bắc Kinh nhìn nhận động thái này.
"Việc phê chuẩn đạo luật này không xem xét đến ảnh hưởng của các quốc gia khác, mà được xem xét để cải thiện hiệu quả của thủ tục hành chính", hội đồng cho biết.
Trước đó, tờ báo Asahi Shimbun của Nhật Bản đã đưa tin rằng đạo luật này "khẳng định các đảo trên là một phần của lãnh thổ Nhật Bản".
Một bài viết trên Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc trong tháng này cũng đã cảnh báo về hậu quả của việc đưa ra bất kỳ thay đổi nào đối với hiện trạng của các đảo.
"Thay đổi định danh hành chính tại thời điểm này chỉ có thể làm cho tranh chấp trở nên phức tạp hơn và mang lại nhiều rủi ro khủng hoảng hơn", Li Haidong, giáo sư tại Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn cầu.
Nỗi lo về một cuộc đối đầu có thể đã tăng cao vào tuần trước với thông báo từ lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản rằng các tàu của chính phủ Trung Quốc xuất hiện ở vùng biển gần quần đảo Senakaku /Điếu Ngư mỗi ngày, kể từ giữa tháng 4 – con số lập kỷ lục mới về số ngày liên tiếp hiện diện.
Vào ngày thứ hai tuần này, sự hiện diện lên tới 70 ngày liên tiếp. Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản nói rằng bốn tàu Trung Quốc đã ở trong khu vực này khi cuộc bỏ phiếu diễn ra ở Okinawa.
Phản ứng về hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc, Yoshihide Suga, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, đã khẳng định lại quyết tâm của Tokyo tại một cuộc họp báo vào thứ Tư tuần trước.
"Quần đảo Senkaku nằm dưới sự kiểm soát của chúng tôi và chắc chắn là lãnh thổ của chúng tôi trong lịch sử và theo luật pháp quốc tế. Điều cực kỳ nghiêm trọng (sự hiện diện của các tàu Trung Quốc -pv) là các hoạt động này vẫn tiếp tục. Chúng tôi sẽ phản ứng với phía Trung Quốc một cách kiên quyết và bình tĩnh", ông Suga nói.
Phản ứng ở Trung Quốc
Trước cuộc bỏ phiếu hôm thứ hai, "cuộc khủng hoảng" gần nhất về vấn đề chuỗi đảo này đã xảy ra vào năm 2012.
Sau khi thông báo quyết định quốc hữu hóa quần đảo Senkaku thì chính phủ Nhật đã ký thỏa thuận mua Senkaku với giá 2,05 tỷ Yen (26 triệu USD) của gia đình Kurihara. Trung Quốc coi quyết định của Chính phủ Nhật Bản mua lại quần đảo Senkaku do một công dân Nhật Bản sở hữu, là một hành vi vi phạm chủ quyền của họ.
Động thái của Nhật Bản đã dấy lên nhiều cuộc biểu tình lớn trên đường phố và bất thường trên khắp Trung Quốc và khiến quan hệ song phương đầy bất ổn.
Điều làm phức tạp tranh chấp với quần đảo này đó là nếu tình hình leo thang đến mức phải đối đầu quân sự, thì Hoa Kỳ có nghĩa vụ bảo vệ chúng như một phần của lãnh thổ Nhật Bản theo hiệp ước phòng thủ chung với Tokyo.
William Choong, một chuyên gia cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, gần đây đã cảnh báo rằng Senkakus / Điếu Ngư có thể giống như một kho thuốc súng hơn so với các khu vực tranh chấp khác ở Đông Á.
"So với các điểm nóng khác trong khu vực - Biển Đông, Đài Loan và chương trình vũ khí của Triều Tiên – thì Biển Hoa Đông là một sự pha trộn riêng biệt và dễ leo thang vì các vấn đề lịch sử, danh dự và lãnh thổ", Choong chia sẻ trong một bài viết trong tháng này trên trang The Interpreter – một kênh blog của Viện nghiên cứu Lowy ở Australia.
"Câu hỏi không phải là liệu Trung Quốc có muốn thách thức Nhật Bản về các đảo này hay không. Câu hỏi đặt ra là khi nào và bằng cách nào? Đây là điều khiến các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản (và Mỹ) thức giấc vào ban đêm", chuyên gia Choong viết.