Cô đơn - một khái niệm nghe thì quen, nhưng để hiểu hết được về nó thì chưa ai có thể, kể cả các nhà khoa học lỗi lạc nhất. Chỉ biết rằng, cảm giác cô đơn không có ích lợi gì cho chúng ta, cả thể chất lẫn tinh thần.
Nguyên nhân và hệ quả xung quanh sự cô đơn vẫn còn nhiều điều để nói. Theo như một nghiên cứu mới đây, hóa ra trong cuộc đời của một người sẽ có những giai đoạn bạn cảm thấy cô đơn tới cùng cực. Hay nói các khác, cô đơn có thể đạt đỉnh ở một vài độ tuổi.
3 độ tuổi cô đơn của con người
Trước kia, cũng có một số nghiên cứu về mối liên hệ giữa độ tuổi và sự cô đơn, có điều hầu hết các kết quả đều cho thấy sự mâu thuẫn. Còn lần này, các chuyên gia từ ĐH California, San Diego (Mỹ) đã khảo sát dựa trên giả thuyết: người già dễ cô đơn hơn, và trên thực tế về việc người gia thường dành nhiều thời gian một mình hơn.
Tuy nhiên sau khi đánh giá 340 ứng viên trong độ tuổi từ 27 - 101, kết quả lại chỉ ra nhiều điều hơn thế nữa. Đầu tiên, đúng là có xu hướng con người cảm thấy cô đơn rất nhiều ở giai đoạn cuối 80 - 90 tuổi. Tuy nhiên, vẫn còn 2 mốc khác nữa, đó là giai đoạn gần 30 tuổi, và giữa 50 tuổi.
Theo chuyên gia thần kinh lão khoa Dilip Jeste, tác giả nghiên cứu, thì hiện tại vẫn chưa thể kết luận lý do gây ra những khoảng cô đơn này. Tuy nhiên, Jeste giả định rằng nó liên quan đến một số khó khăn, căng thẳng và thách thức đặc trưng của từng độ tuổi.
"Giai đoạn gần 30 là thời điểm dành cho những quyết định hết sức to lớn. Bạn sẽ cảm thấy căng thẳng và áp lực khi chứng kiến những người đồng trang lứa thành công hơn bản thân. Bạn sẽ thấy hối tiếc vì nhiều điều, cùng muôn vàn câu hỏi tại sao," - Jeste giải thích.
Giữa 50 thì là giai đoạn "khủng hoảng tuổi trung niên. Trong giai đoạn này, bạn sẽ phải đối mặt với việc sức khỏe suy giảm không còn như trước nữa, đồng thời thấy lo lắng hơn về chính mạng sống của mình.
Cuối 80 tuổi, sự cô đơn lại đến theo cách khác. Lần này là những gánh nặng về tâm lý, cảm xúc tụt dần, thể chất yếu đi, các chứng bệnh như mất trí nhớ, Alzheimer làm chất lượng cuộc sống giảm sút... Và đặc biệt là sự ra đi của người bạn đời.
"Đây chắc là giai đoạn dễ giải thích nhất." - Jeste bình luận.
Nhưng xu hướng đáng ngại hơn là...
Chỉ ra được 3 cột mốc cô đơn trong một đời người chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Thứ khiến các chuyên gia cảm thấy giật mình là tỉ lệ cô đơn trong các nhóm tuổi đang tăng lên.
Trong các nghiên cứu trước kia về tỉ lệ cô đơn của người Mỹ không có sự đồng nhất. Có thể cao tới 57%, nhưng cũng có lúc chỉ thấp khoảng 17%. Jeste trước khi nghiên cứu kỳ vọng về một con số ở giữa, nhưng kết quả lại thật kinh khủng khi 3/4 người tham gia - lên đến 76%.
"Đây là một con số đáng chú ý, vì những ứng viên tham gia nghiên cứu trước đó đều được đánh giá rủi ro cô đơn ở mức thấp," - Jeste chia sẻ.
"Họ không có bệnh nặng về thể chất, cũng không mắc bệnh tâm lý. Họ giống như bất kỳ ai, những người bình thường,"
Tuy vậy, họ cũng tìm ra một xu hướng khác khá thú vị. Jeste sau đó đã yêu cầu các ứng viên thực hiện một bài khảo sát trí tuệ, chấm theo thang đo trí tuệ San Diego (San Diego Wisdom Scale). Kết quả cho thấy, những người càng thông thái, càng ít cô đơn.
"Có thể là vì những hành vi biểu hiện của sự thông thái đều, như sự đồng cảm, lòng trắc ẩn... ngăn chặn được cảm giác cô đơn," - Ellen Lee, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.
Cũng cần lưu ý rằng kết quả nghiên cứu trên chỉ nằm trong một nhóm nhỏ, chứ không đại diện cho toàn bộ thế giới. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là sự cô đơn đang ngày càng trở nên phổ biến, và có thể xảy ra với bất kỳ ai.
"Một người có thể ở một mình nhưng không thấy cô đơn, trong khi người khác sống giữa một đám đông nhưng lại cảm thấy cô độc."
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí International Psychogeriatrics.