Thị trường hàng chục tỷ USD và xu thế tất yếu
Theo báo cáo Mordor Intelligence, thị trường DevOps toàn cầu dự kiến sẽ đạt 13,14 tỷ USD vào năm 2024 và tăng lên 36,01 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 22,34% từ năm 2024 đến năm 2029.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của TechSci Research, thị trường DevOps cũng đang có sự tăng trưởng đáng kể. Theo đó, thị trường được định giá 700 triệu USD vào năm 2022 và dự kiến đạt 1,9 tỷ USD trong năm 2028 với tốc độ CAGR dự kiến là 23,2% trong giai đoạn từ năm 2023 - 2028.
Sự tăng trưởng này cũng phản ánh xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong nước hướng tới việc áp dụng các phương pháp phát triển phần mềm hiện đại như CI/CD và tự động hóa quy trình.
DevOps là một phương pháp kết hợp quy trình, công cụ và nguyên tắc tự động hóa để tăng cường sự hợp tác giữa các nhóm phát triển phần mềm và quản trị hệ thống (ops). Hoạt động này thường diễn ra trong quá trình phát triển và triển khai phần mềm. Mục tiêu chính của DevOps là tạo ra môi trường linh hoạt, đồng nhất, tự động hóa để cung cấp các ứng dụng và dịch vụ có chất lượng cao.
Sở hữu loạt lợi thế như tốc độ, khả năng phân phối nhanh chóng, độ tin cậy cao, quy mô đáp ứng lớn, cải thiện khả năng cộng tác và bảo mật, DevOps trở nên cần thiết với doanh nghiệp trong kỷ nguyên số 4.0.
Thậm chí, DevOps còn được mô tả là xu thế tất yếu bởi khả năng giải quyết nhiều thách thức trong phát triển phần mềm truyền thống, nơi các quy trình phức tạp, thiếu đồng bộ giữa các nhóm phát triển và vận hành thường dẫn đến chậm trễ, lỗi hệ thống và chi phí cao. Với DevOps, doanh nghiệp có thể tự động hóa, tăng tốc độ triển khai, nâng cao độ tin cậy, và linh hoạt hơn trong việc quản lý và vận hành hệ thống.
Ngoài ra, những bài toán hóc búa của các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển phần mềm cũng được DevOps giải quyết như chậm trễ trong triển khai phần mềm; quản lý hạ tầng phức tạp hay bảo mật không đảm bảo….
Chính từ những tồn tại đó, khách hàng mong muốn một giải pháp đột phá với khả năng tích hợp toàn bộ các công cụ và dịch vụ cần thiết trong một nền tảng duy nhất, giúp họ dễ dàng quản lý và tối ưu hóa toàn bộ vòng đời phát triển phần mềm. Các yêu cầu bảo mật cũng như giải thiểu rủi ro, tiết kiệm thời gian… luôn được đề cao.
Một sản phẩm Made by Vietnam
Nhận thức được tầm quan trong của việc phát triển và làm chủ quy trình DevOps – giải pháp cho những vấn đề đang tồn tại, các doanh nghiệp Việt đã chủ động đầu tư phát triển lĩnh vực này. Một trong số này là Viettel, với sản phẩm Viettel DevOps Sphere thuộc hệ sinh thái Viettel Cloud. Đây là sản phẩm toàn diện đầu tiên trên thị trường Việt Nam.
Theo chia sẻ của nhà phát triển, Viettel DevOps Sphere được chia thành 2 nhóm sản phẩm gồm Viettel DevOps Platform và Viettel DevSpace.
Viettel DevOps Platform là giải pháp tích hợp các công cụ cho việc phát triển, triển khai và quản lý phần mềm thông qua các công cụ như kho lưu trữ mã nguồn tập trung (Repository), quản lý dự án (Project Management), tích hợp và triển khai liên tục (CI/CD), kho lưu trữ gói phần mềm hoặc thư viện đã sẵn sàng sử dụng (Package registry), bảo mật mã nguồn (Code Security) và cổng thông tin nội bộ dành cho nhà phát triển (Internal Developer Portal), giúp các doanh nghiệp quản lý toàn bộ vòng đời phát triển phần mềm một cách hiệu quả và an toàn.
Viettel DevOps Platform giải quyết 5 vấn đề then chốt: Bảo mật toàn diện; khả năng quản lý dự án hiệu quả hỗ trợ theo dõi tiến độ, quản lý công việc và tài nguyên một cách toàn diện; tính linh hoạt cao; tự động hóa các quy trình phát triển và triển khai làm tăng hiệu suất và giảm thiểu lỗi; và khả năng tích hợp toàn diện cung cấp đầy đủ các công cụ cần thiết cho toàn bộ vòng đời phát triển phần mềm trong một nền tảng duy nhất.
Viettel DevSpace cũng cung cấp môi trường phát triển linh hoạt trên đám mây, cho phép các nhà phát triển làm việc từ bất kỳ đâu mà không cần cài đặt phần mềm phức tạp trên máy cục bộ. Điều đáng nói là, Viettel DevOps Sphere hoàn toàn do người Việt phát triển và làm chủ công nghệ.
Viettel DevOps Sphere được kỳ vọng trở thành công cụ góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt trên chính sân nhà và có thể vươn xa hơn nữa trong tương lai.