Một doanh nghiệp Trung Quốc nỗ lực trở thành công ty tốt nhất Việt Nam

Pha Lê |

Tập đoàn cho biết sẽ nỗ lực để triển khai các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, với tinh thần "tại Việt Nam, vì Việt Nam và trở thành công ty tốt nhất Việt Nam".

Tối ngày 16/9, trong chương trình công tác tại Quảng Tây, Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Simon Lin - Chủ tịch Khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Tập đoàn công nghệ Huawei.

Tập đoàn công nghệ Huawei được thành lập vào năm 1987 tại Thâm Quyến, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh cơ sở hạ tầng ICT, năng lượng số, điện toán đám mây và thiết bị đầu cuối, bao gồm 207 nghìn nhân viên, hơn 50% là kỹ sư nghiên cứu và phát triển (R&D), hoạt động tại hơn 170 quốc gia và khu vực, phục vụ hơn 3 tỷ người trên toàn thế giới. Tổng doanh thu nửa đầu năm 2023 của Công ty Huawei đạt được 42,96 tỷ USD. Theo một số đánh giá, Huawei đứng thứ 4 thế giới về đầu tư cho R&D.

Theo đánh giá của Huawei, Việt Nam là một thị trường chiến lược, quan trọng đối với Huawei. "Một trong những chiến lược kinh doanh quan trọng của Huawei là tăng cường bản địa hoá công ty ở mọi thị trường mà công ty hoạt động. Huawei cam kết đóng góp cho ngành công nghiệp ICT của Việt Nam như là một đối tác bản địa và là nhà đầu tư lâu dài bằng cách cộng tác với các nhà cung cấp và các đối tác bản địa trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp", website của Huawei Việt Nam cho biết.

Tại Việt Nam, Huawei hợp tác với các nhà mạng viễn thông xây dựng mạng 2G, 3G, 4G. Tập đoàn đã có hợp tác với hàng trăm đối tác Việt Nam; tạo ra hàng chục nghìn việc làm trong lĩnh vực ICT, đào tạo hơn 18.000 nhân lực kỹ thuật số của Việt Nam.

Một doanh nghiệp Trung Quốc nỗ lực trở thành công ty tốt nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Simon Lin - Chủ tịch Khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Tập đoàn công nghệ Huawei. Ảnh: Thông tin Chính phủ.

Ông Simon Lin - Chủ tịch Khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Tập đoàn công nghệ Huawei bày tỏ quan tâm việc xây dựng cơ sở hạ tầng số tại Việt Nam, đẩy nhanh số hóa ngành, giảm phát thải carbon, chuyển đổi số thông minh; mong muốn hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng vì một Việt Nam xanh và xây dựng hệ sinh thái tài năng số tại Việt Nam.

Ông Simon Lin đánh giá cao nỗ lực và chiến lược chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Thủ tướng hoan nghênh các đề xuất của Huawei, khẳng định ủng hộ hoạt động đầu tư của Tập đoàn tại Việt Nam; cho rằng lĩnh vực chuyển đổi số còn không gian, dư địa rất lớn để Tập đoàn hoạt động, đầu tư, hợp tác tại Việt Nam.

Trong bối cảnh các công nghệ mới liên tục xuất hiện và cạnh tranh ngày càng gay gắt, Thủ tướng mong muốn Tập đoàn hoạt động ổn định tại Việt Nam, phối hợp với các cơ quan chức năng để có các giải pháp đóng góp tích cực vào xây dựng xã hội số, Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam, bao gồm cả hoạt động đầu tư và R&D, góp ý về thể chế, chính sách, đào tạo nhân lực và nâng cao năng lực quản trị hiện đại.

Đối với các đề xuất hợp tác của Tập đoàn, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Huawei chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tìm kiếm các dự án mới và triển khai hoạt động đầu tư tại Việt Nam hiệu quả, bền vững.

Lãnh đạo Tập đoàn cho biết sẽ nỗ lực để triển khai các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, với tinh thần "tại Việt Nam, vì Việt Nam và trở thành công ty tốt nhất Việt Nam".

Một doanh nghiệp Trung Quốc nỗ lực trở thành công ty tốt nhất Việt Nam - Ảnh 2.

Về quan hệ thương mại của Việt Nam và Trung Quốc, theo số liệu thống kê sơ bộ vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tính đến hết tháng 8/2023, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 105,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 36,61 tỷ USD, tăng 2,35% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam chiếm 16% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Có 9 nhóm hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. 3 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Trung Quốc là: Điện thoại các loại và linh kiện 8,87 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 8,73 tỷ USD; rau quả 2,26 tỷ USD.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2023, có 2 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên gồm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 14,28 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 14,17 tỷ USD.

Với kim ngạch đạt 105,45 tỷ USD, Trung Quốc là đối tác thương mại đầu tiên của Việt Nam đạt quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu từ 100 tỷ USD trở lên trong năm 2023 và tiếp tục duy trì vị thế là đối tác thương mại quan trọng của nước ta.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại