Một địa ngục kinh hoàng với B-52 của Mỹ

Nguyễn Ngọc |

Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút khỏi Việt Nam, mở đường cho "Đại thắng Mùa xuân 1975".

Mới đây tác giả Tanmay Kadam đã có bài viết trên tờ “Thời báo Á-Âu” (EurAsian Times) về “Chiến dịch Linebacker II” - Chiến dịch tập kích đường không chiến lược bằng “Pháo đài bay” B-52 của Mỹ trong 12 ngày đêm (từ 18-30/12/1972), vào miền Bắc Việt Nam, mà trọng tâm là Hà Nội và Hải Phòng.

Chúng tôi xin lược dịch những nội dung cốt yếu trong bài viết này, đồng thời hiệu chỉnh lại một số dữ liệu mà các tác giả nước ngoài đưa ra không khớp với những công bố của Ta.

50 năm trước, gần 200 máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress đã thực hiện 730 phi vụ oanh kích trong 12 ngày, thả hơn 20.000 tấn bom xuống miền Bắc Việt Nam, trong chiến dịch tập kích đường không được coi là lớn nhất của Mỹ kể từ Thế chiến II, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người Việt Nam.

Bối cảnh diễn ra “Chiến dịch Linebacker II”

Chỉ hơn một tháng trước khi diễn ra chiến dịch này, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon đã tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, với cương lĩnh tranh cử dựa trên lời hứa chấm dứt sự tham gia của Hoa Kỳ vào cuộc Chiến tranh Việt Nam, vốn không được lòng người Mỹ.

Vào cuối năm 1972, tiến trình đàm phán ở Paris (thường được gọi là “Đàm phán Hòa bình Paris” tưởng chừng như đã đạt được thỏa thuận khi hai bên đã đồng ý hầu như tất cả các điều khoản; bỗng nhiên đổ vỡ, khi Mỹ bất ngờ lật lại những điều khoản trước đó đã đồng thuận, nhưng lại đổ lỗi cho phía Việt Nam tự ý rời bỏ bàn đàm phán.

Nixon cảnh báo chính phủ Bắc Việt Nam về những hậu quả nguy hiểm nếu họ không quay trở lại bàn đàm phán và ra lệnh cho Lực lượng Không quân Hoa Kỳ (USAF) cứu vãn tình thế bằng cách tiến hành một chiến dịch ném bom chiến lược kéo dài 12 ngày mang tên “Chiến dịch Linebacker II”, còn được gọi bằng một số cái tên như “Cuộc tấn công tháng 12” hoặc “Vụ đánh bom Giáng sinh”.

Ngay từ khi bắt đầu tham chiến ở Việt Nam, Không quân Hoa Kỳ đã chủ trương thực hiện một cuộc ném bom chiến lược như vậy vào miền Bắc và cuối cùng các tướng lĩnh USAF đã có cơ hội thực hiện mong muốn của mình.

Cho đến trước “Chiến dịch Linebacker II”, các chiến dịch không kích của Hoa Kỳ tại Việt Nam chỉ giới hạn ở việc ngăn chặn các tuyến đường bộ mà miền Bắc gửi quân và tiếp tế hậu cần cho các lực lượng của mình, cùng với Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Một địa ngục kinh hoàng với B-52 của Mỹ - Ảnh 1.

Tuy nhiên, Linebacker II thì khác, vì nó nhằm phá hủy các mục tiêu có giá trị cao như các cơ sở quân sự quan trọng, đường sắt, đường bộ, cầu phà, nhà máy năng lượng, thậm chí là cả các khu dân cư ở miền Bắc Việt Nam.

Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon nói với Henry Kissinger vào ngày 17/12 rằng: “Họ (chỉ miền Bắc Việt Nam) sẽ ngạc nhiên kinh khủng” và ngay ngày hôm sau, 129 chiếc B-52 cất cánh từ đảo Guam và các căn cứ ở Thái Lan đã đánh vào Hà Nội và Hải Phòng ở miền Bắc Việt Nam.

Cuộc đối đầu giữa B-52 Stratofortress và S-75 Dvina

Những chiếc B-52 Stratofortress huyền thoại được gọi là “Pháo đài bay” trong phi đội máy bay ném bom của Không quân Hoa Kỳ, kể từ khi nó được giới thiệu lần đầu tiên vào giữa những năm 1950, trong thời kỳ bắt đầu “Chiến tranh Lạnh”. Chiếc máy bay ném bom này có ​​thể mang theo 32.000 kg vũ khí hạt nhân hoặc thông thường và bay ở tốc độ cận âm ở độ cao lên tới 50.000 feet (15.166,6 mét), ngoài tầm nhìn của mắt thường, khối lượng bom đạn khổng lồ mang theo khiến các cuộc tấn công của nó trở nên thảm khốc cả về thể chất và tâm lý.

“Nixon muốn tác động tâm lý tối đa lên Bắc Việt Nam và B-52 là công cụ tốt nhất của không quân cho công việc này” - chuyên gia Beagle đã viết trong luận án của mình vào tháng 6 năm 2000, tại Trường Nghiên cứu Không quân Cao cấp của Học viện hàng không.

Tuy nhiên, điều đó sẽ không dễ dàng đối với những chiếc B-52 này, vì thứ đang chờ đợi chúng là hệ thống phòng không tầm cao S-75 Dvina (tên ký hiệu của NATO là SA-2 Guideline) đáng gờm do Liên Xô sản xuất, có thể bắn tên lửa đầu đạn 195kg lên tới độ cao 30.000 mét, với tốc độ hơn Mach 3 (3 lần tốc độ âm thanh).

Các Lực lượng Vũ trang miền Bắc Việt Nam đã triển khai khoảng 26 bệ phóng tên lửa đất đối không (SAM) S-75, mà 21 trong số đó được sử dụng để bảo vệ khu vực Hà Nội, Hải Phòng, kết hợp với các hệ thống pháo phòng không tập trung dày đặc và một mạng lưới radar phức hợp.

Ngoài ra, mạng lưới radar đã được bí mật cải thiện bằng cách bí mật tìm ra một loại radar có khả năng phát hiện B-52 trong các dải nhiễu và một loại radar điều khiển hỏa lực (FCR) mới, được cho là đã nâng cấp, cải thiện độ chính xác của đạn tên lửa S-75.

Một địa ngục kinh hoàng với B-52 của Mỹ - Ảnh 2.

Trong khi đó, phi đội B-52 được sử dụng trong Chiến dịch Linebacker II bao gồm các mẫu B-52G và B-52D. Tất cả các mẫu D đều được nâng cấp với các biện pháp đối phó điện tử mới nhất, nhưng chỉ một nửa số mẫu G được nâng cấp cho đến thời điểm đó, điều này khiến chúng dễ bị SAM tấn công.

Ngoài ra, các chiến thuật mà B-52 sử dụng đã không thay đổi nhiều kể từ Thế chiến Thứ hai, sự máy móc trong việc áp dụng các chiến thuật oanh tạc cũng đã gây ra thiệt hại nặng nề cho những siêu pháo đài bay Mỹ trong chiến dịch mà họ nghĩ rằng sẽ là “những cuộc dạo chơi trên bầu trời Bắc Việt”.

Chiến dịch Linebacker II bắt đầu…

Vào ngày 18/12/1972, 87 chiếc B-52 cất cánh từ Căn cứ Không quân (AFB) Andersen ở Guam. Tốp máy bay khổng lồ này sẽ tham gia vào cuộc tấn công cùng 42 chiếc B-52 từ sân bay U Tapao của Thái Lan, đánh dấu sự bắt đầu của “Chiến dịch Linebacker II”.

Đây là lực lượng máy bay ném bom tấn công lớn nhất, mang số lượng bom đạn lớn nhất thế giới được huy động cho một phi vụ oanh kích, kể từ Thế chiến Thứ hai trở lại đây.

Từ đảo Guam ở giữa Thái Bình Dương, sứ mệnh ném bom miền Bắc Việt Nam sẽ kéo dài khoảng 12 giờ và cần tiếp nhiên liệu cho máy bay ở cùng biển phía đông Philippines; trong khi từ Utapao, nhiệm vụ sẽ chỉ mất khoảng 3 đến 4 giờ mà không cần tiếp liệu trên không.

Vào đêm đầu tiên của Linebacker II, các lực lượng phòng không miền Bắc Việt Nam được cho là đã phóng khoảng 200 tên lửa đất đối không S-75 Dvina vào những tốp B-52 đang tấn công, trong đó ít nhất 5 quả tên lửa đã đánh trúng mục tiêu, khiến ba chiếc B-52 bị bắn rơi và hai chiếc khác bị hư hại.

Sau chiến dịch, một phi công Hoa Kỳ đã nghỉ hưu đã nói trong buổi phỏng vấn của CNN rằng, ngoài tên lửa ra, đạn pháo cao xạ bắn ngang dọc trên bầu trời, có rất nhiều loại đạn phòng không đã vây quanh máy bay Mỹ. Đạn bắn lên nhiều đến nỗi bầu trời sáng bừng đến mức “có thể đọc báo trong buồng lái”.

Một địa ngục kinh hoàng với B-52 của Mỹ - Ảnh 3.

Tổn thất thảm khốc của những chiếc “Pháo đài bay” được coi là “niềm tự hào của Không lực Hoa Kỳ” trong đêm đầu tiên của chiến dịch đã làm tổn thương tinh thần của các phi hành đoàn B-52 ở Guam và U Tapao, trong khi nó đã nâng cao sự tự tin của các lực lượng phòng không Hà Nội.

Vào đêm thứ hai, những chiếc B-52 hoạt động tốt hơn, chỉ có 2 chiếc bị hư hại và không chiếc nào bị mất, trong tổng số 93 chiếc thực hiện nhiệm vụ. Nhưng đến đêm thứ ba, các lực lượng phòng không Bắc Việt Nam đã nhìn thấu chiến thuật bay và ném bom của các phi hành đoàn B-52.

Các máy bay ném bom sẽ bay theo đội hình hàng dọc dài hàng km trên các đường bay định trước. Điều này có nghĩa là các cuộc tấn công “có thể đoán trước được, đến mức bất kỳ kẻ thù nào cũng có thể hạ gục bạn giống như trò chơi điện tử tại lễ hội hóa trang” - cựu sĩ quan tác chiến điện tử B-52 Ron Bartlett, nói trong một buổi lễ của “Hội Phi công Thập tự Không quân”.

Một sơ hở khác là trước khi ném bom vài phút, máy bay phải bay bằng, ổn định hướng và độ cao; khiến đối phương có thể nắm bắt thời cơ này để tấn công vào các khối máy bay khổng lồ.

Wayne Wallingford, một sĩ quan tác chiến điện tử có trụ sở tại U Tapao, người đã tham gia 7 trong số 11 cuộc tấn công của B-52 cho biết: “Trong hai phút cuối cùng của cuộc ném bom, chúng tôi được thông báo là phải bay thẳng và ngang bằng, điều đó không khác gì bạn là mục tiêu đứng yên”.

Wallingford nói thêm rằng, việc mở các cửa vào khoang chứa vũ khí của máy bay ném bom cũng đã làm tăng tín hiệu radar của nó; để đối phương có thể xác định được B52 trên màn hiện sóng của radar đối không.

Một thời điểm khác mà đối phương có thể lợi dụng để tấn công là sau khi máy bay hoàn thành cuộc oanh kích, quay đầu để trở về căn cứ. Sau khi thả bom, B-52 lần lượt thực hiện các vòng lượn lớn trên bầu trời, để chuyển hướng bay khỏi vùng phòng không Hà Nội để trở về căn cứ.

Khi máy bay thực hiện các lượt nghiêng cánh để chuyển hướng, thiết bị gây nhiễu điện tử của máy bay sẽ hướng lên trời, khả năng chế áp điện tử giảm xuống. Đó cũng là thời điểm B-52 dễ bị SAM đánh trúng.

Một địa ngục kinh hoàng với B-52 của Mỹ - Ảnh 4.

Trong đêm thứ ba, đã có tới 6 chiếc B-52 bị bắn rơi. Theo Beagle, tổn thất ngày càng tăng đã khiến Nixon vô cùng tức giận. Nixon sợ rằng “một tổn thất nặng nề của B-52” - loại máy bay ném bom mạnh nhất thế giới, niềm tự hào của Không lực Hoa Kỳ và nền công nghiệp quốc phòng Mỹ, sẽ tạo “hiệu ứng ngược” về tâm lý mà ông mong muốn.

Beagle viết trong luận án của mình rằng, giới tướng lĩnh chỉ huy không quân đã bị chỉ trích nặng nề vì đã để xảy ra “một địa ngục kinh hoàng với B-52”, bởi họ đã để chúng tiếp tục bay qua cùng một mục tiêu, vào cùng một thời điểm, trong suốt mấy ngày liên tiếp.

Từ đêm hôm sau, các máy bay ném bom được hướng dẫn tiếp cận mục tiêu từ các độ cao và hướng khác nhau, không bay theo một hàng dọc đơn điệu hoặc bay qua các mục tiêu mà chúng vừa tấn công. Tuy nhiên, vào đêm thứ tư, vẫn có hai chiếc B-52 trong số 30 máy bay ném bom xuất kích, bị bắn rơi.

Trong ba đêm tiếp theo, tức là ngày thứ 5 đến ngày thứ 7 của chiến dịch, Không quân Mỹ đã ứng biến tốt hơn với chiến thuật mới, tận dụng tốt kinh nghiệm của mình, khiến không một chiếc B-52 nào bị mất.

Sau đó, lực lượng máy bay ném bom chiến lược của Hoa Kỳ đã ngừng hoạt động vào Ngày Giáng sinh (25/12) để các nhà hoạch định quân sự có cơ hội xem xét các sự kiện và cho các phi hành đoàn nghỉ ngơi.

Trong bốn ngày cuối cùng, chỉ có bốn chiếc B-52 bị mất, hai chiếc mỗi đêm thứ 8 và thứ 9, nâng tổng số máy bay B-52 bị bắn rơi lên con số 15, với 33 phi công thiệt mạng.

Lời kết

Mười ngày sau khi Chiến dịch Linebacker II kết thúc, tức là ngày 8/1/1973, đàm phán hòa bình được nối lại, mà đỉnh cao là việc ký kết “Hiệp định Hòa bình Paris” vào ngày 27/1/1973 giữa chính phủ Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Cộng hòa (Nam Việt Nam), cũng như Cộng hòa miền Nam Việt Nam (PRG) - chính quyền đại diện cho những người cộng sản miền Nam Việt Nam.

Một địa ngục kinh hoàng với B-52 của Mỹ - Ảnh 5.

Tuy nhiên, cả Washington và Hà Nội đều tuyên bố mình đã chiến thắng. Mỹ nói rằng, “Chiến dịch Linebreaker II” đã đưa Bắc Việt trở lại bàn đàm phán hòa bình, trong khi phía Việt Nam miêu tả đó là một chiến dịch phòng không anh hùng và họ đã giành được chiến thắng vang dội.

Theo giới phân tích, chiến dịch tập kích đường không bằng máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ thực sự là một thất bại kinh hoàng, tất cả những gì “Chiến dịch Linebacker II” đạt được là cho phép Washington thoát khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam, với “thể diện tối thiểu”.

Ba năm sau đó, khi toàn bộ lực lượng chiến đấu Mỹ đã rút về nước, chỉ còn lại một số cố vấn quân sự; trong khi lực lượng chính quy của miền Bắc vẫn đứng chân ở miền Nam sau Hiệp định Paris lại được tăng viện lớn, cục diện cuộc chiến tranh Việt Nam đã ngã ngũ.

“Chiến dịch Hồ Chí Minh” (bắt đầu ngày 26/4/1975) đã dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn vào ngày 30/4/1975, miền Nam Việt Nam đã được giải phóng, đất nước Việt Nam thực sự thống nhất. Và “Chiến dịch Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” là nguyên nhân chính dẫn đến chiến thắng vĩ đại đó.

Để thực hiện “Chiến dịch Linebacker II”, Mỹ đã sử dụng một lực lượng khổng lồ: Gần 50% máy bay ném bom chiến lược B-52 (197 trên tổng số 400 chiếc), với 729 lần xuất kích; gần 1/3 số máy bay chiến thuật của toàn nước Mỹ (1.077 trên tổng số 3.041 chiếc) xuất kích 3.920 lần; cùng gần 1/3 số lượng tàu sân bay (6 trên tổng số 17 chiếc), cùng nhiều tàu chiến và tàu hỗ trợ khác.

Thiệt hại theo phía Mỹ công bố là 11 chiếc B-52 đã bị bắn rơi trên lãnh thổ Bắc Việt Nam, 5 chiếc khác rơi tại Lào và Thái Lan; 26 phi công B-52 được cứu thoát, 33 người khác bị chết hoặc mất tích, 33 bị bắt làm tù binh. Đồng thời không quân chiến thuật Mỹ mất 12 máy bay (2 F-111, 3 F-4, 2 A-7, 2 A-6, 1 EB-66, 1 trực thăng cứu hộ HH-53 và 1 máy bay RA-5C), 10 phi công chiến thuật bị chết, 8 bị bắt, và 11 được cứu thoát.

Theo số liệu được Việt Nam công bố, sau 12 ngày đêm chiến đấu kiên cường và anh dũng, quân dân ta đã bắn rơi tổng cộng 81 máy bay Mỹ các loại, trong đó có 34 chiếc B-52, chiếm tỷ lệ 17% tổng số B-52 được huy động ném bom (có 16 chiếc rơi tại chỗ); 5 chiếc F-111; 21 chiếc F-4 Phantom, 4 chiếc A-6, 12 chiếc A-7, 1 chiếc F-105D, 2 chiếc RA-5C, 1 chiếc trực thăng HH-53, 1 chiếc máy bay trinh sát không người lái 147SC.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại