Một dấu ấn kỳ lạ trên thai nhi, 250 triệu năm tiến hóa được tua nhanh trong bụng mẹ

ZKNIGHT |

Hành trình tiến hóa của bất kể một loài sinh vật nào cũng được xen kẽ giữa những đoạn đường vòng và ngõ cụt. Con người chúng ta cũng không hề ngoại lệ. Cơ thể chúng ta vẫn còn vết tích của những bộ phận - trước đây từng phục vụ rất nhiều chức năng, nhưng đến nay đã trở thành vô dụng.

Quá trình phát triển của một thai nhi trong bụng mẹ dường như là cuộn băng tua nhanh qua hàng trăm triệu năm tiến hóa. Chúng ta từng biết những thai nhi từ năm đến tám tuần tuổi vẫn có đuôi như loài khỉ. Nhưng khi lớn lên, cái đuôi đó dần bị tiêu biến và cuối cùng chỉ còn lại một mỏm xương cụt khi đứa trẻ được sinh ra.

Mới đây, một nghiên cứu trên tạp chí Development tiếp tục quan sát thấy một số cơ bắp đặc biệt ở chân và cánh tay của thai nhi.

Những cơ bắp này từng xuất hiện trên cơ thể tổ tiên trưởng thành của chúng ta ở khoảng 250 triệu năm trước. Nhưng bây giờ, chúng chỉ còn tồn tại trong những thai nhi 7 tuần tuổi.

Lần đầu tiên các nhà khoa học quan sát thấy những cơ bắp kỳ lạ này. Và họ tự hỏi tại sao chúng lại biến mất?

Một dấu ấn kỳ lạ trên thai nhi, 250 triệu năm tiến hóa được tua nhanh trong bụng mẹ - Ảnh 1.

Một dấu vết của quá trình tiến hóa trên thai nhi: 250 triệu năm tiến hóa được tua nhanh trong bụng mẹ

Hành trình tiến hóa của bất kể một loài sinh vật nào cũng được xen kẽ giữa những đoạn đường vòng và ngõ cụt. Con người chúng ta cũng không hề ngoại lệ. Cơ thể chúng ta vẫn còn vết tích của những bộ phận - trước đây từng phục vụ rất nhiều chức năng, nhưng đến nay đã trở thành vô dụng.

Có thể kể đến như: ruột thừa, răng khôn, cơ gân tay palmaris longus , cơ arrector pili (những sợi cơ co lại bít lấy lỗ chân lông khi bạn nổi da gà)...

Nghiên cứu trên tạp chí Development bây giờ tiếp tục tìm thấy những sợi cơ kỳ lạ, chỉ xuất hiện tạm thời trong thai kỳ của con người rồi biến mất. Các nhà khoa học đã phải sử dụng những kỹ thuật hình ảnh 3D tiên tiến nhất hiện nay mới có thể quan sát được hiện tượng chưa từng được ghi nhận này.

Theo dõi sự phát triển của một thai nhi đến tuần tuổi thứ bảy, họ tìm thấy 30 cơ bắp xuất hiện trong tay và chân thai nhi. Hình ảnh rõ nét cho thấy chúng tách biệt và rời rạc với nhau, tương tự như cơ chân của những con thằn lằn hoặc kỳ nhông. Tổ tiên trưởng thành của chúng ta 250 triệu năm trước cũng từng sở hữu những cơ bắp này.

Nhưng đến tuần tuổi thứ 13 của thai kỳ hiện tại, tới một phần ba số cơ bắp đã bị tiêu biến hoặc hợp nhất lại với nhau. Hiện tượng này lần đầu tiên được phát hiện khiến các nhà khoa học cảm thấy khá kỳ lạ.

"Điều thú vị trong nghiên cứu này là chúng tôi đã quan sát thấy các cơ bắp chưa từng được mô tả trong quá trình phát triển trước khi sinh của con người. Và một số trong số các cơ bắp này đã được nhìn thấy ngay cả ở những thai nhi 11,5 tuần tuổi, rất muộn cho sự phát triển hồi tổ (hiện tượng thai nhi xuất hiện các đặc điểm của tổ tiên)", nhà sinh học tiến hóa Rui Diogo tại Đại học Howard ở Washington DC cho biết.

Một dấu ấn kỳ lạ trên thai nhi, 250 triệu năm tiến hóa được tua nhanh trong bụng mẹ - Ảnh 2.

Những sợi cơ bí ẩn xuất hiện ở tuần thai thứ bảy rồi biến mất khi đứa trẻ được sinh ra

Từ trước đến nay, chúng ta biết các cơ quan và bộ phận còn sót lại trên cơ thể là một bằng chứng cũng như minh họa không thể tuyệt vời hơn cho hoạt động tiến hóa diễn ra trong hàng triệu năm.

Mặc dù chúng ta có thể không cần đuôi, không cần răng khôn hay những cơ bắp bí ẩn này nữa, bộ gen của chúng ta vẫn chứa trong đó bản thiết kế vẽ ra sự tồn tại của những bộ phận đó.

Và thậm chí, chúng còn có thể xuất hiện trở lại nếu ai đó được sinh ra với một đột biến hiếm gặp, hoặc tiếp xúc với thứ gì đó trong bụng mẹ khiến quá trình phát triển thai kỳ bị sai hỏng.

Rui Diogo cho biết nếu một đứa trẻ sinh ra với những cơ bắp kỳ lạ như kỳ nhông hoặc tổ tiên chúng ta, điều đó chưa chắc đã gây tác hại. Nhưng biến thể dị thường đó có thể là bằng chứng cho sự phát triển gián đoạn của thai kỳ - đôi khi còn ẩn chứa những sai hỏng nguy hiểm hơn chưa được tìm thấy.

Tham khảo Gizmodo

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại