Theo ông Sáng, trước những nỗ lực từ Chính phủ và Bộ Y tế cùng các thông tin tích cực về vaccine Covid-19 dự kiến triển khai trong 2021, công ty cam kết đăng ký và tài trợ 100% chi phí tiêm vaccine Covid-19 cho toàn thể cán bộ nhân viên, ngay sau khi vaccince được cấp phép lưu hành.
Đây là động thái nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và ổn định tinh thần cho hàng trăm nhân viên An Gia đang làm việc tại Tp.HCM, Vũng Tàu và Bình Dương.
Được biết, hiện công ty này đang liên hệ, làm việc với các cơ quan chức năng để sớm thực thi kế hoạch trong giai đoạn cao điểm của Covid-19.
Bên cạnh đó, vị chủ tịch của Tập đoàn này cũng đánh giá cao tinh thần của tập thể cán bộ nhân viên công ty khi thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, đồng thời nỗ lực khắc phục khó khăn trên tinh thần "Expect the Unexpected" để hoàn thành tốt các mục tiêu đặt ra trong 2021.
Chia sẻ về thông điệp "Expect the Unexpected", ông Sáng cho biết năm 2020, Covid-19 đã khiến nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng gặp nhiều khó khăn. Đến đầu năm 2021, nền kinh tế nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua đáy chữ V và đang dần hồi phục sau những tác động của Covid-19.
"Tuy nhiên, trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang có những diễn biến khó lường như hiện nay, chúng ta cần phải chuẩn bị mọi tình huống, thận trọng trước những thách thức mới và sẵn sàng cho những điều bất ngờ để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tôi tin rằng, 2021 là thời điểm cho những khởi đầu mới – tươi sáng và mạnh mẽ hơn", ông sáng nhấn mạnh.
Hiện tại, với những nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ cùng những tín hiệu tích cực về vaccine ngừa Covid-19, các chuyên gia dự báo đại dịch sẽ sớm được kiểm soát, đưa mọi hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường.
Tuy vậy, trước "trùng điệp" những khó khăn mà doanh nghiệp BĐS đang gặp phải rất cần được tiếp sức từ chính sách từ phía Chính phủ.
Theo các chuyên gia trong ngành, ngoài các khó khăn mang tính thời điểm như tác động tiêu cực từ Covid-19, thì các doanh nghiệp địa ốc cũng đối mặt với cả khó khăn trong việc tiếp cận đất đai.
Một số chuyên gia cho rằng, chính sách pháp luật đã rõ ràng để nhà đầu tư có thể tiếp cận đất đai thông qua các hình thức đấu giá, rồi đấu thầu sử dụng đất. Tuy nhiên, sau mỗi cuộc đấu giá, đấu thầu thì việc triển khai ngay được dự án còn rất dài, nhiều khi không phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp phải triển khai lập quy hoạch, thiết kế trình thẩm định phê duyệt và tôi tin là có rất ít doanh nghiệp may mắn nộp hồ sơ, được trả kết quả sau thời gian đúng như mong muốn
"Cái khó của doanh nghiệp chính là rừng thủ tục, trình tự thực hiện. Các thủ tục, trình tự có nhiều nội dung kéo dài rất lâu, nhiều nội dung có quá nhiều hồ sơ phải chuẩn bị. Có những khâu hồ sơ bị "om" quá lâu, làm mất thời gian và cơ hội cho doanh nghiệp, làm cho việc triển khai dự án bị chậm", một vị chuyên gia trong ngành chia sẻ.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư kí Hiệp hội BĐS Việt Nam, điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp BĐS là cần chủ động hơn trong việc hoạch định lại sản phẩm, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, nhân sự, quy trình, phải thật sẵn sàng để ngay sau khi dịch được khống chế, có thể sớm quay lại thị trường.
Ở giai đoạn hiện tại, các chủ đầu tư nên tranh thủ thời gian này để hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ cho các dự án bị ách tắc ở giai đoạn trước, tăng cường với các cơ quan quản lý trung ương, địa phương để sớm đưa dự án quay lại đường đua.
Còn với các đơn vị làm về lĩnh vực phân phối, giờ là lúc tăng cường đào tạo nội bộ, tinh nhuệ đội ngũ, để khi dịch được khống chế, sẽ góp phần thúc đẩy thị trường bằng sự chuyên nghiệp của mình.