Theo Reuters, Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu đường hai năm qua, bằng cách cấp hạn ngạch xuất khẩu cho từng nhà máy. Trong vụ đường gần nhất kết thúc vào ngày 30/9, Ấn Độ chỉ cho phép xuất khẩu 6,2 triệu tấn. Trong vụ 2021/2022, họ cho phép bán tới 11,1 triệu tấn.
Theo nguồn của Reuters, Ấn Độ có thể cấm hẳn việc xuất khẩu đường trong vụ mới bắt đầu từ tháng này. Đây sẽ là lần đầu tiên họ cấm trong 7 năm qua, do lượng mưa thiếu hụt khiến mùa màng giảm sút.
"Lệnh hạn chế xuất khẩu đã được dự báo từ trước. Thay vì kỳ hạn một năm như thường lệ, lần này chính phủ áp lệnh không giới hạn. Năm nay không thể có quota xuất khẩu, vì mục tiêu là giảm giá trước bầu cử", một thương nhân tại Mumbai cho biết. Năm bang tại Ấn Độ sẽ tổ chức bầu cử tháng tới, để chuẩn bị cho cuộc bầu cử toàn quốc năm sau.
Giá đường tại Ấn Độ hiện ở mức cao nhất hơn 7 năm. Sản lượng được dự báo giảm 3,3% xuống 31,7 triệu tấn mùa vụ 2023-2024, do lượng mưa giảm sút tại các bang trồng mía hàng đầu là Maharashtra và Karnataka.
Ấn Độ hiện là nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới sau Brazil. Các khách hàng chính của nước này gồm Bangladesh, Indonesia, Malaysia và Dubai. Lệnh hạn chế có thể khiến nhiều hãng sản xuất trên thế giới đau đầu, từ nước ngọt, chocolate đến bánh kẹo.
Tại Việt Nam, cuối tháng 9 vừa qua, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) công bố Báo cáo "Đánh giá nhu cầu đường công nghiệp tại Việt Nam từ khảo sát các nhà máy chế biến thực phẩm".
Theo báo cáo, tổng lượng đường sử dụng của 40 doanh nghiệp tiêu thụ đường lớn (Vinamilk, Cholimex, Acecook…) chiếm khoảng 21% trong tổng tiêu thụ đường của khối các nhà máy bánh kẹo, nước ngọt, chế biến thực phẩm. Từ đó, Ipsard tính toán, tổng nhu cầu đường của các ngành sản xuất nước giải khát, bánh kẹo, chế biến thực phẩm trong năm 2023 vào khoảng 1,8 triệu tấn.
Trong 5 năm tới, 98% các doanh nghiệp đều dự kiến sẽ tăng nhu cầu tiêu dùng, khối lượng các doanh nghiệp cần thêm khoảng 128,14 nghìn tấn trong 5 năm tới, tức tăng thêm 40% so với nhu cầu tiêu dùng của năm 2022 và tăng thêm 33,4% so với năm 2023.
Trái ngược với sự tăng chóng mặt về nhu cầu tiêu dùng đường trong nước, diện tích trồng mía đã liên tục giảm mạnh trong những năm qua. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, diện tích trồng mía cả nước năm 2022 chỉ còn 165,9 nghìn ha, giảm 48,2% so với năm 2002. Số hộ trồng mía cũng giảm một nửa, xuống chỉ còn 126 nghìn hộ. Trong khi đó, nhiều nhà máy đường đã sát nhập, giải thể; từ 39 nhà máy đường năm 2011 đã giảm chỉ còn 24 nhà máy vào năm 2022.
Do sản xuất trong nước mới đạt 37,5% so với tổng nhu cầu, nên hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu lượng đường rất lớn mới đáp ứng đủ. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2022 lượng đường nhập khẩu chính ngạch 1,23 triệu tấn, giá trị đạt 1,08 tỷ USD, giảm 5,4% về sản lượng và tăng 2,5% về giá trị so với năm 2021.
"Tổng cầu đường mía của cả nước năm 2023 (tính cả xuất khẩu) ước đạt khoảng 2,39 triệu tấn. Tổng cung đường đến hết tháng 7/2023 là 1,76 triệu tấn. Như vậy, để bù đắp lượng đường thiếu hụt từ đây (thời điểm đầu tháng 9 - PV) đến cuối năm thì Việt Nam cần nhập khẩu khoảng 625 ngàn tấn", ông Vũ Huy Phúc, Chuyên gia của Ipsard, cho biết.
Tuy thiếu hụt về lượng cung đường của Việt Nam là khá lớn, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam, việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu đường về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến nước ta, do chúng ta rất ít nhập đường từ Ấn Độ. Trong năm 2022, đường nhập khẩu từ Ấn Độ vào nước ta chỉ chiếm 0.16% tổng lượng đường mà Việt Nam nhập khẩu.
Từ đầu vụ 2022/23, các nhà máy mía đường đã ép được 9.714.224 tấn mía sản xuất, cho ra 941.373 tấn đường các loại. Ảnh minh hoạ.
Giá đường Việt Nam trong 6 tháng thấp nhất khu vực
Trong tháng 6/2023, ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ ép mía 2022/23. Sản lượng lũy kế từ đầu vụ đã ép được 9.714.224 tấn mía sản xuất được 941.373 tấn đường các loại. So sánh cùng kỳ với vụ ép mía 2021/22 sản lượng mía ép đạt 129% và sản lượng đường đạt 126%. So sánh cùng kỳ với vụ ép mía 2020/21 sản lượng mía ép đạt 144% và sản lượng đường đạt 136%.
Diễn biến giá đường Việt Nam so với các nước lân cận trong 6 tháng đầu năm cũng cho thấy giá đường Việt Nam luôn ở mức thấp nhất.
Về vụ chế biến mía đường niên vụ 2023/24, dự kiến còn 25 nhà máy đường hoạt động, bằng số nhà máy hoạt động trong vụ 2022/23, với tổng công suất thiết kế là 122.200 tấn mía/ngày.
Theo báo cáo của các nhà máy đường dự kiến còn hoạt động, kế hoạch sản xuất niên vụ 2023/24 sẽ có tăng trưởng so với vụ 2022/23 như sau: Diện tích mía thu hoạch (ha) 159,159 ha tăng 112%; Sản lượng mía chế biến 10,560,399 tấn tăng 109%; Sản lượng đường 1,026,719 tấn tăng 110%.
Trước đó, hồi tháng 8, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xét đề nghị của Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ nghiên cứu xem xét kiến nghị, bảo đảm nguồn cung đường cho thị trường trong nước, hài hòa lợi ích của người trồng mía, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Theo ThS Vũ Huy Phúc - Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, trong ngắn hạn, cần có những điều chỉnh hợp lý tăng hạn ngạch nhập khẩu và tiếp tục thực hiện giải pháp phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thông qua đấu giá công khai minh bạch nhằm duy trì cân đối cung cầu bình ổn giá đường trong nước.
Ngoài ra, để bảo vệ sản xuất đường trong nước, cần tăng cường các giải pháp để phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép, gian lận thương mại mặt hàng đường, quản lý chặt hình thức nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu và xuất xứ nguồn gốc hàng hóa nhằm ổn định, phát triển lành mạnh thị trường đường trong nước.