Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) vừa thông báo nhận hồ sơ đăng ký niêm yết của CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành, vốn đăng ký 1.350 tỷ đồng.
Được biết, CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành có tiền thân là Công ty TNHH xây dựng Trường Thành, được thành lập vào ngày 5/9/2008 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng và tăng lên 292 tỷ đồng vào tháng 8/2010. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất và kinh doanh năng lượng, đầu tư các dự án điện năng.
Công ty khởi đầu với dự án thủy điện Ngòi Hút 2 công suất 48 MW tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái vào năm 2008. Tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, nhà máy đi vào hoạt động tháng 12/2014. Đồng thời trong năm này, Công ty tăng vốn lên 352 tỷ đồng.
Mặc dù mức vốn tương đối khiêm tốn, Trường Thành vẫn mở rộng đầu tư các dự án ngàn tỷ. Trong đó, tiếp nối thành công của nhà máy thủy điện Ngòi Hút 2, Công ty đầu tư xây dựng thêm nhà máy thủy điện Ngòi Hút 2A công suất 8,4 MW, có tổng mức đầu tư là 292 tỷ đồng, và đi vào hoạt động từ tháng 12/2016.
Công ty cũng liên tục tăng vốn, đến đầu năm 2016, Trường Thành đạt mức vốn 967 tỷ đồng.
Tiếp đến, Công ty triển khai nhà máy thủy điện Pá Hu được đặt tại huyện Trạm Tấu – Yên Bái, với công suất 26 MW và tổng mức đầu tư 1.024 tỷ đồng, dự kiến sẽ khánh thành vào tháng 6/2020.
Vào tháng 3/ 2018, Công ty khởi công xây dựng nhà máy điện Hồ Bầu Ngứ công suất 50 MW, tỉnh Ninh Thuận. Tổng mức đầu tư lên tới trên 1.500 tỷ đồng và chính thức hoà vào lưới điện quốc gia vào tháng 6/2019.
Song song với dự án điện mặt trời Hồ Núi Một 1, Công ty tiếp tục đầu tư nhà máy phong điện Phương Mai 1, tại Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định. Dự kiến đến năm 2021 sẽ đi vào hoạt động.
Sau thành công dự án điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ, Công ty công bố kế hoạch đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận với dự án điện mặt trời Hồ Núi Một 1 công suất 50 MW tại huyện Thuận Nam, Ninh Thuận. Tổng mức đầu tư 1.150 tỷ đồng, dự kiến tháng 12/2020 sẽ hoà lưới điện quốc gia.
Liên tục rót vốn vào các dự án năng lượng, năm 2019 Công ty tăng vốn tiếp lên 1.350 tỷ đồng, thông qua chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, trong đó nắm chi phối là Chủ tịch HĐQT (kiêm Giám đốc) cùng các cá nhân, pháp nhân liên quan.
Ghi nhận sau chào bán, ông Trần Huy Đức – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty - trở thành cổ đông lớn nhất Công ty với 50,08%. Được biết, ông Đức hiện cũng là Chủ tịch tại CTCP Phong điện Phương Mai và Công ty TNHH Xây dựng Trường Thành.
Tiếp đến là Công ty TNHH Xây dựng Trường Thành (do ông Đức là Chủ tịch) với 23,63%, bà Nguyễn Thị Ngọc nắm 11,63%, ông Trần Huy Thiệu – hiện là Thành viên HĐQT - nắm 6,52%, ông Cao Đăng Mùi 5,7% và ông Nguyễn Duy Viễn nắm 2,44%.
Song song với tăng vốn, nợ của Trường Thành cũng liên tục tăng mạnh, tính đến cuối năm 2019 riêng nợ vay tăng 54% lên 2.272 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản Trường Thành vào mức 3.921 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn chỉ vỏn vẹn 99 tỷ.
Trong khi đó, tổng nợ Công ty là 2.371 tỷ đồng, riêng nợ ngắn hạn hơn 435 tỷ - tức gấp gần 5 lần so với tài sản ngắn hạn. Vốn chủ vào mức 1.547 tỷ với 1.350 tỷ vốn góp và 197 tỷ lợi nhuận chưa phân phối.
Năm 2020, Công ty tiếp tục thông qua đầu tư nhà máy phong điện Phương Mai 1, tại Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định, dự kiến đến năm 2021 sẽ đi vào hoạt động.