Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mới đây thông báo bán đầu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên (Công ty Tài Nguyên).
Dư nợ của Công ty Tài Nguyên tại BIDV tính đến ngày 26/7/2024 là hơn 5.720 tỷ đồng. Trong đó dư nợ gốc là 2.506 tỷ đồng, dư nợ lãi là 3.214 tỷ đồng. Khoản nợ này được hình thành theo các hợp đồng tín dụng từ năm 2005 đến năm 2020.
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ gồm: Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Khu dân cư Phước Nguyên Hưng (nay là dự án Kenton), Xã Phước Kiển, Huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh; và Quyền tài sản về khai thác mỏ đá thuộc xã Hòa Thạch và Phú Mãn, Huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.
BIDV cho biết đã khởi kiện Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên tại Tòa án nhân dân Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Và Tòa án nhân dân Quận 1 đã có thông báo về việc thụ lý vụ án số ngày 21/03/2022 về việc "Tranh chấp hợp đồng tín dụng". BIDV đã thực hiện nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí tòa án vào ngày 21/03/2022 với số tiền là gần 2,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngày 23/4/2024, Tòa án nhân nhân Quận 1 đã có Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo đó Tạm đình chỉ giải quyết vụ án "Tranh chấp hợp đồng tín dụng" giữa Nguyên đơn Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Bị đơn là Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên.
BIDV đưa ra giá khởi điểm cho khoản nợ của Công ty Tài Nguyên là hơn 4.904 tỷ đồng.
Ngoài BIDV, Công ty Tài Nguyên hiện còn có khoản nợ xấu tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) với dư nợ gốc hơn 296 tỷ đồng.
Được biết, Công ty Tài Nguyên được thành lập vào ngày 29/3/1996 với vốn điều lệ ban đầu là 2 tỷ đồng. Công ty hoạt động trong lĩnh vực thi công cơ sở hạ tầng, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, chủ yếu là bê tông, đá xây dựng và đá dăm.
Năm 2001, Công ty Tài Nguyên tái cấu trúc mô hình sản xuất, kinh doanh và tập trung nguồn tài lực chính vào đầu tư và kinh doanh bất động sản. Công ty tập trung chủ yếu vào đầu tư và xây dựng khu phức hợp căn hộ và văn phòng cho thuê.
Tháng 9/2018, Công Tài Nguyên tăng mạnh vốn điều lệ từ 350 tỷ đồng lên 1.450 tỷ đồng.
Người đại diện theo pháp luật kiêm chủ tịch hội đồng thành viên là ông Vũ Anh Tâm. Ngoài Công ty Tài Nguyên, ông Vũ Anh Tâm còn là chủ sở hữu CTCP Xây dựng và Vật liệu xây dựng Hà Tây.
Về Dự án Kenton Node - tài sản thế chấp của Công ty Tài Nguyên, dự án này có tên đầy đủ là Khu phức hợp khách sạn Kenton Node (hay Kenton Node Hotel Complex), quy mô 10,8 ha, với điểm nhấn là tòa tháp 44 tầng, bao gồm nhiều công trình tiện ích như: khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, khu căn hộ nghỉ dưỡng…
Dự án Kenton Node trước đây có tên là Kenton Residence, từng được mệnh danh “thiên đường nhiệt đới” tại khu Nam Sài Gòn, nằm trên mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Dự án này có vốn đầu tư 300 triệu USD, được khởi công năm 2010 với quy mô 9 toà nhà, cung ứng hơn 1.600 căn hộ. Đầu năm 2010, chủ đầu tư mở bán giai đoạn 1 dự án với 100 căn hộ, giá bán từ 1.500 USD/m2 đến 2.250 USD/m2.
Giữa năm 2010, thị trường bất động sản "đóng băng" và dự án cũng ngừng thi công. Đến tháng 5/2017, sau khi dừng hơn 7 năm, dự án đổi tên thành Kenton Node, được công bố có tổng vốn hơn một tỷ USD với nhiều hạng mục công trình như căn hộ ở, khách sạn, trung tâm dịch vụ, nhà hát, trường học, phòng khám quốc tế... Ông Vũ Anh Tâm - người sáng lập Công ty Tài Nguyên cho hay doanh nghiệp ký kết bổ sung hơn 1.060 tỷ đồng từ BIDV, MSB để hồi sinh. Tuy nhiên, vào giữa năm 2018, dự án lại một lần nữa đình trệ.
Sang năm 2022, có nhiều thông tin một tập đoàn bất động lớn sẽ tiếp nhận dự án Kenton Node từ Công ty Tài Nguyên. Dự án được đổi tên thành Grand Sentosa và dự kiến công bố ra thị trường vào quý I/2022. Nhưng đến nay, dự án này vẫn chưa có động tĩnh gì.