Đầu năm 2017, một nhóm gồm 11 nhà khảo cổ hải dương và thợ lặn đến Kenn Reefs – một đảo san hô ngập thuộc quần đảo Biển San hô, cách bờ biển bang Queensland (Úc) 500 km.
Nhóm nghiên cứu – thuộc Bảo tàng Hàng hải Quốc gia Úc (ANMM) và Tổ chức Silentworld – hy vọng tìm được xác Jenny Lind, một tàu buồm nhỏ chìm vào đêm 21/5/1850 sau khi mắc vào rạn san hô.
Tàu Jenny Lind khởi hành từ Melbourne đến Singapore với 28 thủy thủ đoàn và hành khách, trong đó có 3 trẻ em. Tất cả đã thoát khỏi con tàu đắm và sống sót 37 ngày trên một bãi cát phía sau rạn sạn hô.
Theo một bài báo vào thời điểm đó, những người này đã dựng một con tàu khác từ các mảnh vỡ của tàu đắm, sau đó chèo hơn 600 km để đến Moreton Bay thuộc đất liền Úc.
Một khảo sát hàng hải năm 1987 cho biết, vẫn có thể nhìn thấy được xác con tàu ở vùng nước nông gần rạn san hô. Nhưng cuộc thám hiểm mới nhất, vào tháng 1/2017, cho thấy biển cả đã xóa sạch những dấu vết cuối cùng của tàu Jenny Lind.
Tuy nhiên, theo nhà khảo cổ hải dương James Hunter, nhóm nghiên cứu đã tìm ra và ghi chép về bốn vụ đắm tàu chưa từng biết đến của những tàu buồm ở cùng khoảng thời gian.
Bãi tàu đắm
Phát hiện mới bao gồm nhiều súng đại bác, mỏ neo, đá dằn của bốn con tàu chưa xác định danh tính. Các nhà nghiên cứu cho rằng chúng đã đắm ở rạn san hô trước khi dải đất này xuất hiện trên các bản đồ điều hướng vào những năm 1850.
Một trong những bản đồ sớm nhất vào năm 1857 ghi nhận rằng phía nam của rạn san hô “rải rác xác tàu đắm”.
James Hunter cho biết rạn san hô này nằm dọc theo một tuyến thương mại lớn giữa Úc và các thuộc địa của Pháp và Hà Lan ở Thái Bình Dương. Ít nhất 8 con tàu được biết đã bị đắm ở đảo Kenn Reefs trong những năm 1800.
Các dòng thủy triều mạnh và khí hậu nhiệt đới ở khu vực này đã khiến những con tàu đắm hơn 150 tuổi chỉ còn các bộ phận kim loại. Một số phần gỗ của xác tàu có thể vẫn nằm dưới đáy biển, nhưng đến nay các thợ lặn vẫn chưa tiến hành khai quật.
Để khám phá cả phần trên và dưới nước của đảo san hô, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một từ kế được kéo bằng tàu thám hiểm. Nó có thể phát hiện những vùng từ tính bất thường tạo ra bởi các đồ vật kim loại.
Nguy cơ ẩn giấu
Hunter giải thích rằng đảo Kenn Reefs là đỉnh của một núi lửa đã tắt dưới đáy biển. Ngọn núi cao hơn 1000 m so với đáy biển và trải rộng trên diện tích 40 km2 .
Rìa phía Nam của rạn san hô, nơi tập trung hầu hết xác tàu đắm, là một bức tường đá vôi và san hô khổng lồ, nhưng gần như hoàn toàn bị nhấn chìm khi triều cường.
Hunter nói rằng: “Khi bạn ở đó, rạn san hô có vẻ rất to lớn, nhưng nó chỉ là một chấm nhỏ trên biển lớn.”
Kể cả khi rạn san hô được ghi chú ở bản đồ dẫn đường chính thức năm 1859, thì vào thời đó, rất dễ tính toán sai lầm, hoặc là khi xác định vị trí để đưa rạn san hô lên bản đồ, hoặc là khi đang ở trên biển và cố tránh nó.
Nhóm nghiên cứu cũng thử tìm dấu vết của một con tàu đắm nổi tiếng khác ở Kenn Reefs – tàu Bona Vista, chìm vào năm 1828. Thủy thủ đoàn đã phải sống hàng tuần trên đỉnh rạn san hô, trước khi một con tàu đi ngang qua và phát hiện ra họ.
Tuy nhiên cũng giống Jenny Lind, xác tàu Bona Vista được thấy bởi nhóm khảo sát năm 1987, giờ đã không thể tìm thấy.
Bên dưới những con sóng
Chuyến thám hiểm đến Kenn Reefs là chuyến đi mới nhất trong chuỗi các cuộc thám hiểm hàng hải để tìm kiếm những tàu đắm trong lịch sử ở Úc.
Năm 2009, cũng là một nhóm nghiên cứu thuộc ANMM và Tổ chức Silentworld tìm thấy xác tàu Mermaid – một tàu chở hàng thuộc địa, đắm ở rạn san hô Great Barrier năm 1829. Và năm 2012, họ tìm ra tàu buồm Royal Charlotte, bị chìm năm 1825 trên biển San Hô.
Giám đốc Silentworld Paul Hundley, một trong những người đứng đầu các chuyến thám hiểm, cho biết dữ liệu về xác tàu đắm phát hiện sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng, để đối chiếu với các ghi chép về những tàu chở hàng thuộc địa trong thời gian đó.
Xác định danh tính những con tàu sẽ giúp các nhà sử học hiểu rõ hơn về lịch sử thương mại giữa các thuộc đại đầu tiên của châu Âu ở khu vực Thái Bình Dương.