Chẳng ai thích mắc lỗi, và khi đã mắc rồi thì luôn có xu hướng giấu nó đi nếu có thể.
Lí giải cho điều này rất đơn giản: từ trước đến giờ, con người luôn cho rằng tất cả cái đẹp đều xuất phát từ sự hoàn hảo. Một người càng toàn vẹn thì càng hấp dẫn.
Tâm lí này đã tồn tại cùng với chúng ta khá lâu, nhưng liệu nó có đúng hoàn toàn không? Có phải việc mắc lỗi lúc nào cũng xấu?
Đôi khi những vấp ngã lại khiến bạn trở nên trọn vẹn hơn trong mắt người khác
Câu trả lời khá bất ngờ: Không những không đúng, khoa học còn lí giải được tại sao đôi khi một vài khiếm khuyết lại khiến bạn trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người khác.
Hiệu ứng Pratfall - khi khiếm khuyết khiến chúng ta "đáng yêu" hơn
Trong tâm lí học, người ta gọi đây là Hiệu ứng Pratfall. Rất nhiều đánh giá của chúng ta về người khác bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng này, dù bạn có thể chẳng nhận ra.
Hóa ra chúng ta lại thường xuyên cảm thấy bị hấp dẫn bởi những người hơi vụng về hoặc không hoàn hảo, nếu như họ có thể vui vẻ thừa nhận điều đó.
Một nhân viên sẵn sàng nhận lỗi sẽ được lòng hơn người quá chỉn chu. Một cô gái hậu đậu đôi khi lại trở nên thu hút và đáng yêu hơn những cô nàng sải bước kiêu chảnh.
Cứ như vậy, chúng ta vô thức bị hấp dẫn bởi các khiếm khuyết nhỏ của người khác. Thoạt nhìn thì điều này có vẻ khá vô lí, song lại vô cùng dễ hiểu vì đặc trưng tâm lí của con người.
Lí do thứ nhất là xuất phát từ việc ai cũng có xu hướng cảm thấy bị đe dọa bởi những người quá hoàn hảo. Mặc dù đôi khi mối lo ngại này hoàn toàn không có thật, con người luôn có một nỗi sợ nhất định về việc bị chiếm mất vị trí trong một tập thể.
Chính vì vậy, khi ai đó mắc lỗi, chúng ta cảm thấy họ trở nên an toàn và cũng dễ mến mến hơn. Ít nhất, họ cũng là người bình thường như chúng ta vậy.
Thứ 2, con người rất hay nhầm lẫn hoặc đưa ra những quyết định sai lầm dù lớn hay nhỏ. Đây có lẽ là điểm chung lớn nhất của tất cả chúng ta, mà con người lại thích những ai giống mình.
Việc chứng kiến ai đó phạm lỗi khiến ta từ trong sâu thẳm cảm thấy bớt tồi tệ hơn, vì hóa ra chúng ta không phải người duy nhất không hoàn hảo. Khoảng cách giữa ta và "kẻ vụng về" kia nhờ thế mà ngắn lại rất nhiều.
Có vô số người nổi tiếng trong cuộc sống được yêu mến hơn nhờ vào hiệu ứng tâm lí kì lạ này. Chẳng hạn như những cú ngã huyền thoại ở giải Oscar của Jennifer Lawrence đã khiến cho cô trở nên rất đáng yêu trong mắt mọi người…
… hay thời niên thiếu "đi đâu cũng bị từ chối" của Jack Ma làm cho vị tỉ phú này trở nên thân thuộc và gần gũi với chúng ta hơn bao giờ hết.
Thật thú vị phải không?