Mới đây, một clip ghi lại hình ảnh các bé đang học mầm non bị đeo gông ở cổ tay giống tù nhân ngày xưa khiến nhiều phụ huynh phẫn nộ. Trên nền nhạc Những Bàn Chân Lặng Lẽ (OST Cảnh Sát Hình Sự), các học sinh bị gán các "tội danh" như "7h30 vào lớp, 10h mới có mặt", "ăn chậm nhất", "ẻ nhiều nhất"… Được biết, đeo còng tay giấy là "trend" trên Tiktok, được nhiều tài khoản hưởng ứng, trong đó có cả phụ huynh cũng thực hiện với con mình.
Clip được chia sẻ lại trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Bên cạnh một số ý kiến nhận định đây chỉ là quay cho vui, không nên làm quá, hầu hết phụ huynh và cả những người làm giáo dục đều đánh giá hành động này rất phản giáo dục, cần lên án.
"Không thể chấp nhận việc đem trẻ con ra làm chiêu trò câu view"
Nhiều cư dân mạng cho biết, việc mô phỏng còng số 8 nhạy cảm, dù là hài hước hay gì đi nữa họ cũng muốn những hình ảnh đó xuất hiện với các con. Chưa kể, đem "lỗi" hoặc những điểm hạn chế do sự phát triển về độ tuổi của các con ra bêu rếu là phản cảm.
Trẻ con chưa hiểu lắm thì có khi thấy vui. Nhưng là người lớn, lại làm công tác giáo dục, thầy cô cần phân biệt cho các con đâu là lỗi cần phạt, đâu không đáng bị thế, và phạt thì phạt như nào. Những "tội lỗi" mà cô giáo đưa lên không phải là những điều đáng bị phạt, bị đứng trước các bạn bằng 1 chiếc "còng tay". Nhiều cô giáo không hiểu sự khác biệt giữa vui ngoài đường chợ và vui trong trường học cần có tính sư phạm và chất giáo dục riêng chứ không thể làm ẩu.
"Hôm qua mình cũng vô tình lướt qua video này trên Tiktok và phải dừng lại để báo cáo vi phạm. Là một người mẹ, em cũng không chấp nhận được những chiêu trò câu view như vậy, chưa kể đến hình ảnh của con bị tung ra khi chưa được sự đồng ý của phụ huynh. Các em bé tội nghiệp còn tưởng đang tạo dáng để cô chụp ảnh. Không hiểu các cô quá hồn nhiên hay thiếu ý thức nữa.
Nếu con mình bị cô lấy làm trò đùa thế, mình sẽ yêu cầu cô xin lỗi và cho nghỉ luôn, đồng thời yêu cầu nhà trường có hình thức kỷ luật nghiêm để răn đe. Môi trường giáo dục như thế thì không ổn, đừng lấy người khác làm trò đùa vô tri, chứ đừng nói là mang trẻ con ra đùa", một bà mẹ bức xúc.
"Sự tử tế nằm ở trong từng hành động nhỏ và phải được duy trì lâu dài"
Nói về clip gây tranh cãi này, một người làm trong lĩnh vực giáo dục nhận định, việc này hết sức phản cảm và phản giáo dục. "Con cái chúng ta đi học hay đi tù" là câu hỏi người này đặt ra trong một bài viết chia sẻ trên mạng xã hội.
Thứ nhất, các con còn rất nhỏ nên chưa thể vào nề nếp ngay lập tức. Nếu con đi học muộn, đó là do bố mẹ không sắp xếp được thời gian chứ nào phải do con. Con ăn chậm, thử hỏi thức ăn cô nấu đã ngon chưa, cô đã cố hết sức để khuyến khích con ăn hay chưa, hay còn lí do nào khác khiến con ăn chậm thì người lớn đã tìm hiểu sâu xa để tìm ra biện pháp hay chưa? Con "ẻ" nhiều là do cơ thể con còn đang phát triển, hệ thống tiêu hoá non nớt của con đang cố gắng làm việc để đào thải những gì con không hấp thụ được.
Thứ hai, cô giáo mang học sinh của mình ra làm trò cười nhưng sử dụng hình ảnh tù tội, và không hề che mặt bất cứ bạn nhỏ nào. Thứ ba, mang trẻ em ra câu view câu like trên một MXH dành cho người lớn trên 16 tuổi ở dạng thức phản giáo dục là điều khó chấp nhận.
"Sự tử tế nằm ở trong từng hành động nhỏ và phải được duy trì lâu dài chứ không thể chỉ là cái mẽ bề ngoài được tô vẽ hào nhoáng. "Làm mầm non một cách tử tế" là điều luôn được mình nhắc đi nhắc lại với bản thân và với đội ngũ, trở thành một nếp văn hoá của trường", người này nhận định.
Một chuyên gia khác nhận xét, việc giáo viên ghi lại hình ảnh và đăng tải lên mạng xã hội có thể là do cảm xúc nhất thời, muốn vui, muốn thể hiện, cũng có thể muốn nhắn gửi tới phụ huynh việc giáo viên tổ chức hoạt động cho trẻ. Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy nhiều giáo viên chưa được trang bị đủ năng lực số, không nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn sẽ ảnh hưởng đến học sinh, đồng thời vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng khi Tiktok giới hạn độ tuổi sử dụng. Việc đưa hình ảnh, thông tin của con lên mạng xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ với trẻ, đẩy trẻ vào tình thế dễ bị kẻ xấu lợi dụng.
Việc chê bai trẻ trước mặt mọi người cũng mang tác dụng ngược. Không chỉ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, mà còn khiến trẻ trở nên ương bướng, khó chỉ bảo.
Tất cả những đứa trẻ khó giáo dục nhất là những đứa trẻ mất đi lòng tự trọng. Khi đứa trẻ bị tổn thương lòng tự trọng, trẻ sẽ quay lưng trốn chạy, trở nên hèn nhát, yếu đuối, hoặc ngược lại, trở thành đứa nổi loạn, vượt ra khỏi quy tắc, khuôn khổ, thậm chí bất chấp pháp luật. Dù là tình huống nào đi nữa, sẽ cần rất nhiều thời gian, thậm chí là cả một đời để có thể chữa lành tổn thương cho đứa trẻ ấy.