Tuy nhiên, đây lại là bộ phận bị hầu hết các chủ phương tiện bỏ qua khi vệ sinh, rửa xe hay bảo dưỡng.
Các chuyên gia cho rằng, bộ chuyển đổi chất xúc tác khá quan trọng, giúp giảm lượng chất ô nhiễm thải ra môi trường. Về lý thuyết, khí thải của động cơ chứa nhiều tạp chất rất độc hại và bộ chuyển đổi chất xúc tác có nhiệm vụ làm sạch, lọc các chất độc hại, ô nhiễm bằng phản ứng oxy hoá khử. Sau khi trải qua quá trình này, khí thải thoát ra môi trường sẽ biến đổi thành khí CO2 và hơi nước.
Mặc dù các bộ chuyển đổi chất xúc tác thường có tuổi thọ rất cao nhưng người dùng ô tô không nên chủ quan và cần thường xuyên kiểm tra để đảm bảo chúng hoạt động tốt nhất. Bất kỳ một hư hỏng nào liên quan đến bộ chuyển đổi chất xúc tác sẽ khiến chủ xe phải tốn nhiều chi phí sửa chữa, thay thế.
Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy bộ chuyển đổi chất xúc tác trên ô tô đang gặp hư hỏng mà người dùng dễ nhận biết. Một trong số đó là đèn báo lỗi động cơ nháy sáng. Ngoài ra, cảm giác hiệu suất của xe bị yếu đi, khả năng tăng tốc hoặc leo dốc kém hơn so với thông thường cũng là dấu hiệu cho thấy bộ chuyển đổi chất xúc tác có vấn đề.
Bởi việc sử dụng ô tô trong khoảng thời gian dài, các chất ô nhiễm, bụi bẩn và mảnh vụn thường sẽ bị tích tụ lại và làm tắc nghẽn hệ thống ống xả. Mẹo đơn giản để giúp tăng độ bền, tuổi thọ và hiệu quả hoạt động của ống xả là thường xuyên làm sạch bộ chuyển đổi chất xúc tác của xe.
Ngoài ra, việc không vệ sinh bộ chuyển đổi chất xúc tác thường xuyên cũng sẽ khiến cho lượng khí thải xả ra có màu sẫm tối, mùi lưu huỳnh hoặc trứng ung đậm đặc và quan trọng hơn là nhiệt độ dưới gầm xe sẽ tăng cao bất thường.
Tuy nhiên, việc vệ sinh bộ chuyển đổi chất xúc tác không đơn giản, người sử dụng ô tô không có nhiều kinh nghiệm khó tự làm tại nhà.
Theo các kỹ sư ô tô, bộ chuyển đổi chất xúc tác nằm dưới gầm xe, gắn với ống xả. Khi vệ sinh, cần nâng xe và tháo bộ phận này, sau đó đổ chất tẩy rửa chuyên dụng vào bộ chuyển đổi và ngâm trong khoảng 30-60 phút… Sau khi ngâm, nên rửa lại bộ phận này bằng nước sạch, tuyệt đối không dùng vòi phun cao áp xịt trực tiếp vào vì dễ gây hư hỏng các kết cấu tổ ong bên trong.
Ngoài ra, chỉ nên lắp bộ chuyển đổi chất xúc tác lên xe khi đã khô ráo hoàn toàn. Sau khi hoàn thành các công đoạn vệ sinh, hãy đề máy xe và kiểm tra xem còn tiếng ồn lạ hay mùi hôi nào hay không, nếu không, chứng tỏ quá trình vệ sinh bộ chuyển đổi chất xúc tác thành công.
Vì việc kiểm tra và vệ sinh bộ phần này tương đối khó thực hiện tại nhà, người sử dụng ô tô nên nhờ các kỹ thuật viên tại xưởng dịch vụ hỗ trợ vệ sinh bộ chuyển đổi chất xúc tác trong mỗi lần đi bảo dưỡng xe để đảm bảo chúng luôn hoạt động hiệu quả.