Trong phần lớn năm 2020, thế giới đã chiến đấu với đại dịch. Các chính trị gia và cán bộ y tế luôn nói về việc đánh bại virus corona chủng mới và dập tắt làn sóng lây nhiễm. Tuy nhiên, trong năm vừa thế giới đã đảo lộn vì đại dịch. Chỉ trong vài tháng hàng trăm nghìn người thiệt mạng, kinh tế toàn cầu chìm trong suy thoái và thành quả của nhiều năm xóa đói giảm nghèo đã bị thổi bay.
Cuộc chiến với đại dịch vẫn phải tiếp tục. Mặc dù chúng ta có thể tìm ra vaccine, phân phối vaccine đến mọi ngóc ngách của thế giới vẫn là 1 bài toán khó. Vì thế thái độ đối mặt với vaccine cũng trở nên ôn hòa hơn. Năm 2021, nhân loại sẽ tiếp tục tìm cách thích nghi để có thể sống chung với virus, theo những cách mà làm cho quan hệ cộng sinh ít tốn kém hơn.
Về cơ bản thì 2021 khá giống với 2020. Khẩu trang và rửa tay sát khuẩn vẫn là những điều không thể thiếu. Giữ khoảng cách là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, bước vào "năm Covid thứ hai", hãy chuẩn bị cho những thay đổi lớn trong 3 lĩnh vực: xét nghiệm, các quy tắc cách ly và những hướng dẫn về giãn cách xã hội.
Các xét nghiệm rẻ tiền nhưng nhanh chóng để tìm ra ca nhiễm sẽ phổ biến ở khắp mọi nơi. Không giống như các xét nghiệm PCR phức tạp và chỉ có thể thực hiện trong phòng thí nghiệm, các xét nghiệm kháng nguyên có chi phí thấp hơn, đơn giản hơn và nhanh hơn. Một số loại thậm chí được hoàn thành chỉ trong 15 phút bằng những thiết bị nhỏ gọn hoặc có những bộ kit xét nghiệm nhanh giống như các que thử thai tại nhà mà giá chỉ là 5 USD. Trong tương lai gần các dụng cụ xét nghiệm này sẽ ngày càng chính xác, và giá có thể giảm xuống chỉ còn 1 USD/lần test.
Theo Economist, đến giữa năm 2021, xét nghiệm nhanh sẽ thay thế việc kiểm tra thân nhiệt tại sân bay (cách làm nhiều khi không có tác dụng). Các công sở, trường học và địa điểm giải trí sẽ sử dụng các công cụ này thường xuyên để sàng lọc. Một số người thậm chí có thể tự test tại nhà mỗi ngày. Tất nhiên để khẳng định 1 ca dương tính sẽ cần đến xét nghiệm PCR để chính xác hơn, kết quả âm tính cũng không phải là thứ đảm bảo chắc chắn. Tuy nhiên, xét nghiệm nhanh sẽ giúp phát hiện được nhiều ca nhiễm hơn đáng kể.
Một tác dụng phụ của các xét nghiệm rẻ tiền có thể thực hiện tại nhà là hệ thống xét nghiệm và truy vết chính thức của chính phủ sẽ khó theo dõi những ca nhiễm như vậy. Tuy nhiên, ở châu Âu và Mỹ niềm tin vào các hệ thống chính thức đã vỡ vụn. Các nước này chỉ có thể hi vọng người nhiễm sẽ tự nhận thức được tình trạng của mình và làm những điều đúng đắn là báo cho những người đã tiếp xúc gần và tự giác cách ly. Và đối với những người nhiễm bệnh mà không có triệu chứng, nhìn vào que xét nghiệm mỗi ngày sẽ khiến họ tuân thủ các quy định phòng dịch nhiều hơn so với tin nhắn từ ứng dụng truy vết khuyến cáo họ nên ở nhà.
Về cách ly, có lẽ nhiều nước sẽ học tập Pháp và Thụy Điển giảm thời gian cách ly từ 2 tuần xuống còn 1 tuần với hi vọng người dân sẽ tuân thủ tốt hơn. Ví dụ, người dân có thể được khuyến cáo rằng họ vẫn có nguy cơ lây bệnh cho người khác trong tuần lễ thứ 2 dù thấp hơn, vì thế hãy tránh gặp họ hàng lớn tuổi trong thời gian đó. Người đang trong thời gian cách ly cũng được phép ra ngoài thực hiện một số hoạt động có nguy cơ thấp như đi dạo trong công viên vào buổi sáng, lúc còn vắng người.
Tương tự, nhiều nước sẽ cho công dân của mình nhiều quyền tự chủ hơn trong việc giãn cách xã hội. Những quy tắc cứng nhắc như ai có thể gặp ai, ở đâu và như thế nào sẽ không còn nữa. Thay vào đó sẽ là những quy tắc đơn giản mà mọi người có thể chọn lựa. Ví dụ, Nhật Bản kêu gọi người dân tránh "3 chữ c": crowding (tụ tập đông người), close-contact (tiếp xúc gần) và confined spaces (không gian hẹp). Canada khuyến cáo người dân khi tụ tập với bạn bè và gia đình hãy nghĩ đến "ít người hơn, nhóm nhỏ hơn, thời gian ngắn hơn và tới không gian rộng hơn".
Những sự thay đổi nói trên sẽ giúp cho năm Covid thứ hai dễ chịu hơn so với năm đầu tiên.