Câu chuyện giữa mẹ chồng - nàng dâu vẫn luôn là vấn đề muôn thuở. Ở cùng nhau đã có nhiều vấn đề cần lo, nhưng đến khi có thành viên mới chào đời mới lại càng phát sinh thêm những mâu thuẫn không tên khác. Lúc này nếu không nhường nhịn, thông cảm cho nhau thì rất dễ dẫn đến những khúc mắc, xích mích khó nói.
Mới đây trên MXH chia sẻ câu chuyện liên quan tới vấn đề "bà không chịu trông cháu" khiến nhiều người băn khoăn. Liệu bà không đồng ý trông cháu là đúng hay sai và những bậc phụ huynh nên làm thế nào trong tình huống này?
"Mẹ chồng mỉa con dâu hiếm muộn là "nhà này phúc ngắn" nhưng đến khi có cháu nội lại không muốn bế.
Lấy chồng đã 4 năm trời, thời gian đầu, bố mẹ chồng còn quý mến lắm nhưng sau khi biết tin tôi hiếm muộn, thái độ của mẹ chồng dần dần thay đổi. Những cái nhìn không mấy thiện cảm, những lời nói nặng nề bắt đầu xuất hiện. Mỗi dịp Tết đến hay khi nghe tiếng trẻ con hàng xóm cười đùa, mẹ chồng lại càng lộ rõ sự không vui. Bà thường hay sang nhà hàng xóm bế bồng các cháu nhỏ và không quên mỉa mai tôi: "Thèm được bế cháu lắm rồi mà nhà này phúc ngắn". Bà luôn tự hào về khả năng chăm sóc trẻ con và nhấn mạnh là "muốn chăm cháu nội cũng chả được".
Cuối cùng, sau bao nhiêu năm chạy chữa, chúng tôi cũng đón được đứa con đầu lòng. Mẹ chồng hỗ trợ tôi được 6 tháng đầu nhưng khi tôi đi làm trở lại, bà lại tìm đủ lý do để né tránh việc trông nom cháu. Nỗi ức chế càng tăng khi tôi nghe bà kể với hàng xóm rằng lương của tôi thấp, dù mọi người khuyên tôi nên ở nhà chăm sóc con nhưng tôi đòi đi làm bằng được. Tôi mệt mỏi, chán nản không biết có nên nói thẳng với mẹ chồng về những suy nghĩ của mình hay không. Nói chuyện với chồng thì anh ấy cứ lảng đi, tôi chán nản vô cùng!", người mẹ này chia sẻ.
Ở nhiều gia đình hiện nay, người mẹ sau 6 tháng sinh con sẽ quay trở lại công việc. Lúc này, do em bé còn quá nhỏ vẫn cần người chăm sóc nên các bậc phụ huynh thường nhờ đến ông bà nội ngoại. Tuy nhiên, không phải lúc nào ông bà cũng có khả năng ở nhà trông cháu, cũng bởi vì thế mà nhiều câu chuyện phức tạp trong gia đình đã diễn ra.
Theo quan điểm của đa số cư dân mạng, con ai người ấy chăm. Bà có thể vì nhiều lý do như mệt, sức khỏe kém, quan điểm chăm sóc không phù hợp... nên không muốn nhận trông con. Còn người mẹ có mong muốn đi làm là chính đáng bởi ở nhà lâu có khả năng sẽ stress, tụt hậu... nên mẹ có thể cân nhắc việc gửi con hoặc thuê giúp việc.
Tuy nhiên, ba mẹ đã quyết định sinh con thì phải chắc chắn rằng có khả năng chăm sóc và nuôi dưỡng. Bà cũng đã già rồi, tự lo cho mình đã vất vả, việc bà không trông cháu cũng không thể trách hay tỏ ra khó chịu như vậy.
Những lời khuyên từ mọi người
Cuối cùng, đa số cho rằng nếu may mắn được ông bà trông cho thì rất vui, nhưng nếu ông bà từ chối thì những người con cũng phải tự tìm cách khác như thuê giúp việc, gửi tư... tuỳ hoàn cảnh gia đình. Tuyệt đối không nên tỏ ra khó chịu hay cư xử thờ ơ, lạnh nhạt với cha mẹ mình.
Càng ngày càng có nhiều bà nội - bà ngoại ''ngại'' và tự chối chuyện chăm sóc cháu nhỏ
Lý do được đưa ra như sau:
1. Khác biệt thế hệ trong quan điểm nuôi dạy con
So với ngày xưa, phương pháp giáo dục hiện tại đã có quá nhiều thay đổi, từ chuyện chăm con ốm, ăn dặm ra sao, uống thuốc thế nào... cũng không còn giống như xưa. Ngày nay, các bậc phụ huynh nuôi con theo phương pháp khoa học và hiện đại, quan điểm giáo dục cũng thay đổi từng ngày. Đôi khi những gì ông bà làm có thể đi chệch hướng so với các phương pháp giáo dục hiện nay.
Ví dụ như trẻ em bây giờ sau 6 tháng mới bắt đầu ăn dặm, 1 năm đầu không ăn gia vị, dưới 1 tuổi không uống mật ong... Việc cho con ăn cũng có nhiều phương pháp như ăn dặm kiểu Nhật, BLW chứ không chỉ là ăn dặm truyền thống. Ngoài ra, phụ huynh hiện tại hướng tới phương pháp giáo dục không đòn roi... có thể không còn phù hợp với thế hệ ngày xưa nữa.
Sự khác biệt này dễ dẫn đến những quan điểm bất đồng khi mẹ và bà cùng chăm sóc một đứa trẻ. Rõ ràng, ai cũng yêu thương và muốn điều tốt đẹp nhất cho bé nhưng sự trái ngược trong cách nuôi dạy dễ khiến bà và mẹ xảy ra bất đồng. Ở nhiều gia đình, chuyện cãi vã xảy ra như cơm bữa cũng một phần là do mỗi người một suy nghĩ về chuyện chăm con.
Bởi vậy, nhiều mẹ chồng hiện nay có xu hướng tránh chuyện trông cháu bởi không muốn xảy ra bất đồng với con dâu.
2. Sức khoẻ không cho phép
Đây là một trong những lý do khiến càng ngày càng nhiều bà nội không muốn chăm cháu. Trông nom một đứa trẻ vốn dĩ không hề đơn giản. Khi bé đến tuổi biết bò, biết đi rồi chạy, bà già yếu rồi thì việc trông cháu sẽ khó khăn hơn. Bên cạnh đó còn phải cho cháu ăn uống, tắm giặt, đi chơi... cũng là quá sức với nhiều người.
Một số bà tuổi cao sức yếu sẽ dễ mắc nhiều bệnh, sợ lây sang cho cháu. Cũng vì vậy mà việc bà từ chối trông nom cháu cũng là điều dễ hiểu. Họ quan niệm cố gắng sống khoẻ, sống vui để không bị mắc bệnh đã là rất tốt rồi.
3. Muốn dành thời gian cho bản thân mình
Suốt thời trẻ, các bà đã vất vả đi làm kiếm tiền, chăm sóc chồng con, nên đến một mức tuổi nào đó, họ có nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn, tận hưởng những thú vui khác trong cuộc sống. Đây cũng là nhu cầu cần thiết và chính đáng, nếu là một người con hiếu thảo, bạn nên ủng hộ thay vì trách móc bố mẹ mình.
Nhìn chung, nhiều người già có tư tưởng tiến bộ đã có suy nghĩ rằng ''con ai người ấy nuôi''. Có nghĩa là bản thân chỉ nên đưa ra lời khuyên, thi thoảng giúp đỡ trông cháu một vài hôm chứ không thể hoàn toàn thay thế vai trò của bố mẹ đối với con cái. Chính vì vậy, những bố mẹ trẻ nên có trách nhiệm hơn trong việc nuôi con, không thể phụ thuộc vào ông bà.
Việc giao phó con cái cho ông bà hay người giúp việc đều có những mặt ưu/ nhược điểm. Tuy nhiên, dù bố mẹ có đồng ý hay không, bạn nên tôn trọng và cố gắng tìm ra giải pháp cho bản thân hơn là trách móc hay khó chịu với ông bà.