Món Huế đã không học được gì từ Thế Giới Di Động, FPT Shop, Phở 24?

Thế Lâm |

Chuỗi nhà hàng Món Huế cũng như các tiệm ăn uống khác thuộc Công ty Huy Việt Nam do ông Huy Nhật đứng tên đại diện pháp luật đã đóng cửa kéo theo các món nợ nhỏ về thuế nhưng lại nợ các nhà cung cấp số tiền được cho là lên đến 40 tỉ đồng.

Chuỗi Món Huế chết vì đâu?

Lúc cao điểm, Công ty Huy Việt Nam được cho rằng có khoảng 100 cửa tiệm, nhà hàng với các thương hiệu Món Huế, Phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy.v.v… Trong đó, chuỗi Món Huế được biết đến nhiều nhất và nổi tiếng nhất.

Công bằng mà nói, trong cả chục năm xây dựng thương hiệu và mở chuỗi, Món Huế chính là một trong những chuỗi nhà hàng được nhiều người biết đến nhất tại TPHCM cũng như Hà Nội. Như vậy, việc xây dựng thương hiệu của Món Huế có thể nói là thành công.

Nhưng bên cạnh cái được về thương hiệu, Món Huế được cho rằng đã để chất lượng trượt dài không phanh. Nói như nhiều người thích ăn các món ăn Huế thì “muốn ăn món Huế ngon thì không nên vào chuỗi nhà hàng món Huế”.

Hương vị của các món ăn đặc trưng vùng miền nhợt nhạt trước hết bắt nguồn từ việc tổ chức menu, tung ra nhiều món nhưng lại ít có sự khác biệt giữa các món.

Một khách hàng vào nhà hàng Món Huế trong khu Phú Mỹ Hưng cho biết, vào những ngày cuối hoạt động của chuỗi này, cơm hến lại không có hến và mắm ruốc vì… hết, nhưng vẫn bán cho khách.

Còn món bún bò Huế tại nhà hàng Món Huế trên đường Cao Thắng (Quận 3, TP.HCM) trước khi chuỗi này bị công khai thông tin ngừng hoạt động ba ngày, người viết bài này đã được ăn bát bún bò Huế chan bằng… nước phở.

Có ý kiến từ chính các nhà đầu tư vào Món Huế cho rằng, “gót chân asin” của chuỗi này là đã mở rộng quá nhanh nhưng tư duy cũng như khả năng điều hành không theo kịp cho nên dẫn đến thua lỗ ngày càng lớn…

Bài học về điều hành

Theo một nguồn tin, ông chủ Huy Nhật của công ty Huy Việt Nam từng nhờ một số bên tư vấn theo hai hướng nhượng quyền và tự mở rộng kinh doanh. Cuối cùng, Huy Việt Nam đã chọn con đường tự đầu tư mở rộng kinh doanh thông qua gọi vốn.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất trong việc tự mở rộng chuỗi không hẳn là vốn mà chính là năng lực quản lí, điều hành kinh doanh.

Mở ra nhiều nhưng không hiệu quả, dẫn đến lỗ ở nhiều điểm nhà hàng, song lại không đủ tỉnh táo để cắt lỗ bằng cách đóng cửa ở các điểm lỗ, sẽ dẫn đến tình trạng lỗ rộng ra và nhiều hơn. Cụ thể, năm 2016 Món Huế còn lãi khoảng 300 triệu đồng nhưng sang năm 2017, 2018 liên tục lỗ 54 và 50 tỉ đồng.

Có một số bài học mà Huy Việt Nam đã không học được từ Phở 24, Thế Giới Di Động và FPT Shop…

Món Huế đã không học được gì từ Thế Giới Di Động, FPT Shop, Phở 24? - Ảnh 1.

Món Huế đã không học được những bài học từ các chuỗi khác (ảnh:A.T).

Bài học đầu tiên đó là chất lượng. Phở 24 trong thời kì cuối chuẩn bị chuyển giao từ chủ sở hữu Việt Nam cho phía nước ngoài, chất lượng dần bị thả nổi không kiểm soát, từ một chuỗi phở thương hiệu có tiếng và đáng tự hào của Việt Nam dần bị chìm lắng và đến nay thì gần như không còn tạo được ấn tượng gì.

Đối với các nhà hàng ăn uống thì chất lượng chính là chìa khóa. Chất lượng dần đi xuống mà chuỗi ngày càng mở rộng chính là thảm họa kép khiến càng nhanh sụp đổ hơn.

Bài học từ các chuỗi bán hàng công nghệ như Thế Giới Di Động, FPT Shop là, cửa hàng hay siêu thị nào hoạt động được một khoảng thời gian khá lâu mà lỗ liên tục từ vài ba tháng trở lên là phải xem xét, rà soát trong đó có tính ngay tới việc ngừng hoạt động để cắt lỗ.

Nếu nói về việc mở chuỗi nhanh, chuỗi Món Huế chưa là gì so với Thế Giới Di Động và FPT Shop. Như vậy, hai yếu tố cốt lõi chính là chất lượng hàng hóa dịch vụ và khả năng quản trị, điều hành, Huy Việt Nam đã không học được gì từ Thế Giới Di Động, FPT Shop, Phở 24…?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại