Không thể không nhắc tới những vụ tai nạn đau thương đã từng xảy ra trước đây như việc em bé 10 tuổi chạy xe đạp, và quệt vào tấm tôn trên một xe xích lô đang đỗ bên đường dẫn đến tử vong.
Hay người phụ nữ 66 tuổi "khiêm tốn" đứng một góc đường đợi xe bus, ấy vậy mà bỗng nhiên chiếc xe chở vật liệu xây dựng từ đâu lao tới, đâm thẳng vào bà .
Vụ việc ngày 23/9 cậu bé 10 tuổi, mải đạp xe và đâm vào đúng đầu nhọn của tấm tôn gây chảy máu, tử vong sau đó.
Bài học dành cho tất cả mọi người đặc biệt là những người lái xe chở hàng cồng kềnh đã có. Quy định siết chặt quản lý các loại xe xích lô, xe ba gác, xe máy... cũng được đưa ra. Nhiều người hy vọng rằng người dân mình sẽ có ý thức hơn. Nhưng có vẻ như mọi thứ vẫn cứ diễn ra, mặc cho những hậu quả đã được cảnh báo trước.
Mới đây, hình ảnh người đàn ông chở ống nhựa trên đường được chia sẻ đã gây bất bình, ức chế và câu hỏi ngay lập tức được dân mạng đưa ra đó là: "Nếu gặp thì sẽ tránh vào đâu?" và "Liệu có kịp tránh? Hay gặp luôn tử thần".
Thay bằng việc "vi phạm giống người khác", đặt ống nhựa buộc dọc theo thân xe, thì anh ta lại nghĩ ra kiểu oái oăm hơn, mức độ nguy hiểm cũng tăng theo cấp số nhân đó là chằng ngang, rồi cứ thế "ung dung" đi trên đường.
Những chiếc ống nhựa được chở trên đường theo cách đầy oái oăm. Ảnh: Hồ Nam
Và tất nhiên anh ta phải luôn luôn đi giữa đường vì chiều dài của ống nhựa này cũng gần bằng với chiều rộng lòng đường. Không một ai có thể hiểu hay bênh vực cho hành vi của người đàn ông này.
Với cách tham gia giao thông như này, chuyện gì sẽ đến khi có một chiếc ô tô đi ngược chiều hay một chiếc xe khác muốn vượt qua?
Và đây, "đường là của riêng những con người vô ý thức này sao?; phải cần bao nhiêu tai nạn thương tâm nữa mới cảnh tỉnh được những con người này?", cũng chính là những lời chỉ trích của dân mạng.
Những hình ảnh có lẽ không còn xa lạ đối với chúng ta
Theo quy định của Bộ GTVT (Nghị định 46/2016/NĐ-CP) mức xử phạt đối với hành vi trên là từ 300.000 đến 400.000 đồng. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng mức phạt như vậy vẫn chưa đủ để mang tính răn đe những người chở hàng cồng kềnh bằng xe ba gác hay xe máy.
Cũng chính những người bất chấp quy định về vận chuyển hàng hoá quên mất rằng, tính mạng con người mới là điều đáng để bàn đến.
Ai cũng biết những người vận chuyển kia, họ cũng vì cuộc sống mưu sinh nên mới phải lặn lội vất vả. Nhưng thử hỏi nếu xảy ra tai nạn ngoài ý muốn, cho dù họ có thể bình yên về thể xác nhưng tâm hồn làm sao có thể ngưng nỗi dày vò, day dứt. Liệu đồng tiền kiếm được ngày hôm nay, có đủ bù đắp cho những mất mát, đau thương kia?
Ngoài việc đọc, nghe, chia sẻ và nêu cao tinh thần cảnh giác thì xin hãy góp chung một tiếng nói, giúp người chở hàng hiểu rằng, thứ họ chở không phải hàng hóa, đó là mối đe dọa có thể cướp đi mạng sống của người khác bất cứ lúc nào.
Đừng chỉ chờ đợi chính quyền hay cơ quan chức năng, mỗi chúng ta cũng hãy tự lên tiếng để góp phần bảo vệ tính mạng chính bản thân mình và những người xung quanh.
Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ, quy định như sau.
Xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5 mét. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5 mét.
Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi nói trên được quy định tại điểm K Khoản 4 Điều 6 nghị định 46/2016/NĐ-CP, cụ thể là từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.