Món đồ công nghệ này giờ còn khó mua hơn cả khẩu trang ở Trung Quốc

Bảo Nam |

Tăng giá gấp 7 tới 10 lần nhưng vẫn không có mà mua, nhiệt kế hồng ngoại với khả năng đo không tiếp xúc đang trở thành món hàng hiếm được cá nhân lẫn các doanh nghiệp săn lùng.

Trong tình hình dịch bệnh hoành hành, khẩu trang, chất khử trùng và các sản phẩm chống dịch khác ở Trung Quốc đã trở thành một thứ bắt buộc phải có đối với mọi người. Trong thời gian qua, năng lực sản xuất và sản lượng khẩu trang hàng ngày ở quốc gia này đã vượt quá 100 triệu chiếc, giúp làm giảm bớt mâu thuẫn giữa cung và cầu.

Nhưng khi các dấu hiệu bệnh dịch bắt đầu giảm, một số lượng lớn người dân bắt đầu đi làm lại thì có một thứ sản phẩm phòng chống dịch bệnh khác lại trở thành hàng "hot", khó mua hơn cả khẩu trang trước đây.

Món đồ công nghệ này giờ còn khó mua hơn cả khẩu trang ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Đo thân nhiệt là việc bắt buộc thực hiện mỗi ngày với công dân ở Trung Quốc hiện nay.

Đó chính là súng đo nhiệt độ không tiếp xúc, hay có thể được gọi với tên chính thức là "nhiệt kế hồng ngoại cầm tay". Nó là thiết bị đo nhanh nhiệt độ cơ thể bằng nguyên lý bức xạ nhiệt.

Nguyên nhân bởi sốt là một trong những biểu hiện lâm sàng chính của người nhiễm coronavirus, nên việc đo nhiệt là hành động thường thấy ở khắp mọi nơi, từ thành phố lớn tới nông thôn. Bạn muốn đi ra ngoài, trước cổng khu phải bị "bắn một phát", đi đến văn phòng lại "bắn một phát", vào siêu thị cũng "bắn một phát"... Việc bị súng đo nhiệt "bắn" gần như đã trở thành chuẩn mực trong cuộc sống hàng ngày của người dân Trung Quốc thời gian gần đây.

Món đồ công nghệ này giờ còn khó mua hơn cả khẩu trang ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Chỉ số tìm kiếm nhiệt kế hồng ngoại cầm tay tăng vọt ở Trung Quốc theo thời gian.

Đặc biệt với các doanh nghiệp, loại nhiệt kế hồng ngoại này là sản phẩm bắt buộc. Để vượt qua cuộc kiểm tra để nối lại hoạt động, các công ty phải sở hữu số lượng thiết bị y tế hỗ trợ, cụ thể là súng đo nhiệt độ, tới một mức nhất định. Trước đây, trên các nền tảng thương mại điện tử, giá của loại sản phẩm này chỉ khoảng 100 nhân dân tệ (khoảng 330.000 đồng) thì nay đã tăng gấp 6 tới 7 lần mà vẫn không có chỗ để mua. Nhiều doanh nghiệp buộc phải vận động nhân viên mang nhiệt kế điện tử dùng cho trẻ em ở nhà để tới hỗ trợ nhà máy.

Vào ngày 18/2, Ủy ban Đoàn Thanh niên Cộng sản tại huyện Đông Khẩu, thành phố Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam đã đưa ra một sáng kiến​. Đó là lên mạng Internet kêu gọi người dân địa phương tặng nhiệt kế điện tử của nhà mình cho các tổ chức, cơ quan chính phủ. Thông báo nêu rõ lý do: "Các siêu thị và trạm làm nhiệm vụ trong quận cần nhiệt kế điện tử để hoạt động, trong khi thị trường không thể đáp ứng nhu cầu mua hàng với giá thông thường."

Món đồ công nghệ này giờ còn khó mua hơn cả khẩu trang ở Trung Quốc - Ảnh 3.

Đo nhiệt kế ở nơi công cộng trên đường phố ở Trung Quốc.

Theo dữ liệu được Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc tiết lộ vào đầu tháng 2, thì trước năm 2019, sản lượng nhiệt kế hồng ngoại cầm tay trong nước là từ 200.000 tới 300.000 chiếc. Quy mô thị trường nói chung không lớn. Nhưng đầu năm 2020, nhu cầu thị trường vào khoảng 550.000 chiếc. Theo cách tính toán đơn giản thì nhu cầu hiện nay đã bằng tổng sản lượng trong hai năm qua.

Do đó, trong bối cảnh thiếu hụt tổng thể, súng đo nhiệt và khẩu trang tự nhiên trở thành "mối làm ăn lớn" trong mắt một số nhà đầu cơ.

Thay vì buôn bán công khai như trước, các sản phẩm này giờ được trao đổi lén lút trong các hội nhóm trên mạng xã hội như QQ, WeChat. Các tay "trung gian" xuất hiện và biến mất liên tục, nhằm tìm kiếm khách hàng và sau đó liên hệ trực tiếp. Một số nhóm còn lén lút che đậy bằng cách cấp quyền nói chuyện cho các thành viên trong nhóm trong nửa giờ và đây là cơ hội chớp nhoáng để tất cả buôn bán với nhau.

Cùng với đó là hiện tượng hàng giả, hàng nhái kém chất lượng xuất hiện tràn lan. Các công ty có thương hiệu tại Trung Quốc liên tục phải đăng đàn giải thích, thậm chỉ treo biển quảng cáo trước công ty, công khai các địa điểm bán hàng để người tiêu dùng không bị nhầm lẫn.

Món đồ công nghệ này giờ còn khó mua hơn cả khẩu trang ở Trung Quốc - Ảnh 4.

Công ty sản xuất nhiệt kế phải đặt thông báo ngay cổng để giải thích cho người tiêu dùng.

Theo báo cáo trong ngành công nghiệp thì hiện Trung Quốc có khoảng 70 nhà sản xuất các sản phẩm như máy đo nhiệt độ hồng ngoại. Và chỉ một số công ty lớn trong số đó như Cửu An Medical, Ngư Dược Medical hay Lạc Phổ Medical... là có năng xuất đủ lớn để cung ứng cho thị trường.

Đối mặt với sự bùng nổ của nhu cầu thị trường, các công ty này cũng đã liên tục mở rộng sản xuất và tăng cường năng suất. Các công ty này đều dự tính khối lượng sản xuất năm nay có thể tăng gấp 4-5 lần năm ngoái. Giá cổ phiếu của các công ty này thời gian qua cũng luôn tăng cao ở mức kỷ lục.

Tuy nhiên, tất cả vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, dường như không có giới hạn.

Món đồ công nghệ này giờ còn khó mua hơn cả khẩu trang ở Trung Quốc - Ảnh 5.

Mọi người từ cá nhân tới doanh nghiệp đều tranh mua nhiệt kế hồng ngoại.

Bởi nhiệt kế điện tử dù không phải là một sản phẩm đòi hỏi nhiều linh kiện như smartphone, nhưng nó là dụng cụ đo đòi hỏi độ chính xác cao. Và dù chỉ cần khoảng hơn 100 loại linh kiện, các công ty cung cấp trong chuỗi cung ứng cũng không đủ năng lực đáp ứng. Mặt khác, các nhà sản xuất lớn về cơ bản đã nhận đơn hàng từ phía chính phủ để cung ứng sản phẩm cho các khu vực nóng, nên nhu cầu đặt hàng từ các kênh thương mại khác tạm thời khó có thể lấp đầy.

Trước nay, do nhu cầu thị trường thấp nên nguồn cung của các linh kiện điện tử chính xác, dành cho nhiệt kế hồng ngoại không nhiều. Vì vậy khi nhu cầu tăng mạnh, chuỗi cung ứng dù muốn cũng chỉ biết bó tay đứng nhìn, kiên nhẫn chờ đợi đến lượt. Không có nguyên liệu đầu vào, dù các công ty y tế có năng lực sản xuất mạnh mẽ tới đâu, cũng đều trở nên vô dụng.

Nhiều công ty đã tìm lối tắt, tự bắt tay với các công ty công nghệ để phát triển các dòng chip, thuật toán và giải pháp ứng dụng mới cho nhiệt kế hồng ngoài. Các nền tảng cũng được nâng cấp để thích ứng với nhiều loại cảm biến hiện có trên thị trường, thay vì bó buộc vào một dòng cảm biến nhiệt như trước. Một số công ty còn sẵn sàng lấy các dòng chip cao cấp để dùng cho chế tạo nhiệt kế, vốn bị coi là dòng sản phẩm "hạ cấp" trước đây. Tuy nhiên, lối đi này cũng cần thời gian để kiểm chứng và sản phẩm cũng cần được các cơ quan y tế xác nhận.

Bởi so với các thiết bị y tế khác, việc sản xuất và phát triển nhiệt kế hồng ngoại đòi hỏi các nhà máy phải có cơ sở hạ tầng đặc biệt, chẳng hạn như thiết bị hiệu chuẩn và phòng thử nghiệm. Các sản phẩm trước khi được đưa ra thị trường cần phải trải qua nhiều đợt kiểm tra cấu trúc nghiêm ngặt, thiết kế mạch điện tử và phần mềm, chưa kể nhóm nghiên cứu và phát triển phải có một lượng lớn dữ liệu từ phòng thí nghiệm và dữ liệu sử dụng lâm sàng...

Món đồ công nghệ này giờ còn khó mua hơn cả khẩu trang ở Trung Quốc - Ảnh 7.

Bên trong một xưởng sản xuất nhiệt kế hồng ngoại ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, một vấn đề khác vẫn nảy sinh trong quá trình sử dụng thiết bị đo nhiệt độ không tiếp xúc này. Đó là sự không chính xác. Một số công ty phản ánh súng đo nhiệt chất lượng cao vẫn cho ra các kết quả khác nhau trong các lần đo. Và khi thiết bị gặp trục trặc, cả hàng dài người sẽ phải chờ đợi.

Vương Ninh, nhà phân tích cao cấp về lĩnh vực y tế của CCID Consulting - công ty nghiên cứu, tư vấn và dịch vụ gia công CNTT lớn nhất Trung Quốc - cho biết "ánh sáng xung quanh mạnh hay yếu, nhiệt độ cao hay thấp và ngay cả những người có tông màu da khác nhau hay việc một cô gái có sử dụng kem nền trên mặt không... đều có thể ảnh hưởng đến năng lượng bức xạ hồng ngoại của cơ thể, khiến kết quả đo bị sai lệch."

Chưa kể, nhiều thiết bị không được vận hành theo đúng hướng dẫn, không được đo đúng cách, không được bảo trì và khử trùng chính xác... đều có thể gặp vấn đề.

Món đồ công nghệ này giờ còn khó mua hơn cả khẩu trang ở Trung Quốc - Ảnh 8.

Sử dụng, bảo quản không chính xác có thể khiến kết quả đo nhiệt độ sai lệch.

"Trong 17 năm qua, từ sau dịch bệnh SARS năm 2003, đã có nhiều đột phá trong công nghệ sản xuất nhiệt kế hồng ngoại ở nội địa. Nhưng do vấn đề nhu cầu thị trường, quy mô đã nhỏ lại", ông Vương Ninh cho biết thêm.

Trước khi dịch bệnh do coronavirus bùng phát, nhiệt kế hồng ngoại là một ngành công nghiệp nhỏ với một thị trường nhỏ. Khi dịch bệnh xuất hiện, ngành công nghiệp này bỗng nhận được sự quan tâm chưa từng có. Nhưng nó cũng khiến nó trở thành một "đống hỗn loạn" chưa từng thấy. Cùng với sự xuất hiện của những kẻ đầu cơ, muốn khuấy cho vũng bùn thêm đục để trục lợi rồi êm ái "vỗ mông rời đi", ai sẽ là người cuối cùng phải trả giá cho những hỗn loạn này?

Hy vọng không phải là người tiêu dùng, càng hy vọng không phải là toàn bộ ngành công nghiệp.

Tham khảo iFeng

Món đồ công nghệ này giờ còn khó mua hơn cả khẩu trang ở Trung Quốc - Ảnh 9.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại