Moldova: Chiến trường mới giữa Nga với Mỹ-NATO?

Thiên Nam |

Hai mấy năm qua, đất nước Moldova chưa bao giờ yên ổn, tới đây rất có thể họ sẽ biến thành “chiến trường mới” cho cuộc đấu giữa Nga với Mỹ-NATO.

Mỹ-NATO tập trận Moldova : Chính trường nổi sóng

Trong bối cảnh Mỹ-NATO đang tổ chức tập trận trên đất nước đúng vào thời điểm nhân dân nước này đang muốn tổ chức lễ kỷ niệm 71 năm chiến thắng phát xít Đức, phe đối lập Moldova đã tổ chức một cuộc biểu tình chống Mỹ tham gia tập trận quân sự.

Hôm 8-5, các nhà hoạt động của đảng Xã hội đối lập của nước Cộng hòa Moldova (MDBGS) và đông đảo quân chúng đã tham gia cuộc biểu tình tại quảng trường trung tâm Kishinev, nơi tập kết và triển khai các thiết bị quân sự của Mỹ, chuẩn bị tham gia cuộc tập trận Dragon Pioneer 2016.

Cuộc tập trận Dragon Pioneer-2016 sẽ được tổ chức trong nước này từ ngày 3-20 tháng 5. Theo kế hoạch, tham gia cuộc tập trận này có 165 binh sĩ Moldova và 198 quân nhân Mỹ, 58 đơn vị thiết bị quân sự Mỹ, 40 phương tiện rà phá bom mìn và máy móc đảm bảo hậu cần của quân đội Moldova.

Những người biểu tình chống sự hiện diện của quân Mỹ-NATO cầm vòng hoa tang có ruy băng viết lời chia buồn dành cho nhân dân các đất nước Yugoslavia (Nam Tư), Libya, Syria và Afghanistan. Họ hô vang các khẩu hiệu chống chiến tranh và chống NATO.

"Hôm nay, dưới màn đêm, quân đội nước ngoài tiến vào Kishinev, vi phạm Hiến pháp Moldova mà không hề có lý do. Chủ quyền đất nước đã bị xâm phạm. Các thiết bị quân sự đang hiện diện ở đây một cách bất hợp pháp” - đại biểu quốc hội của đảng đối lập là ông Vlad Betryncha cho biết.

Theo ông, tất cả mọi người còn nhớ Libya, Syria, Nam Tư và các nước khác từng bị lực lượng NATO ném bom như thế nào. "Chúng tôi không muốn lặp lại số phận của các nước này, chúng tôi muốn Moldova vẫn là nước trung lập…" - ông Betryncha nói.

Biểu tình của nhân dân phản đối chính phủ ở thủ đô Kishinev
Biểu tình của nhân dân phản đối chính phủ ở thủ đô Kishinev

Được biết, cuộc tập trận được tổ chức trong bối cảnh Mỹ-NATO và cả Liên minh châu Âu đang tăng cường hỗ trợ Moldova, Ukraine và Gruzia - 3 nước cộng hòa tách ra từ Liên Xô cũ và cũng là 3 nước có các vùng lãnh thổ ly khai đang đòi sáp nhập vào Nga.

Những hành động này được Phó Tổng Thư ký NATO Alexander Vershbow NATO tuyên bố rằng, họ tăng cường sự hỗ trợ và giúp đỡ dành cho 3 nước nằm ở phía đông này để “củng cố an ninh và chủ quyền của họ và ổn định khu vực lân cận”.

Cổng thông tin korrespondent.net dẫn lời ông Vershbow nói rằng, các quốc gia kể trên tuy chưa phải là thành viên NATO nhưng đang được hưởng quy chế đồng minh đặc biệt, giáp với Nga nên đang phải chịu áp lực từ Moscow và "cần được giúp đỡ để củng cố an ninh".

Ngoài ra, EU cũng đang chuẩn bị gói viện trợ cho 3 nước này, bởi họ đã ký kết thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu. Gói hỗ trợ này có thể sẽ được thông qua vào hội nghị thượng đỉnh “Đối tác phương Đông” vào tháng 5, giúp các đối tác trong việc tiến hành cải cách.

Dân muốn quan hệ với cả Nga và EU, phản đối gia nhập NATO

Được biết, xã hội Moldova vẫn có bộ phận khá lớn người gốc Nga và số lượng người nói tiếng Nga cũng chiếm tỷ lệ khá đông, do đó lực lượng thân Nga cũng tương đối mạnh. Bởi vậy, hầu hết dân chúng Moldova phản đối việc đất nước gia nhập NATO.

Một cuộc khảo sát, thăm dò ý kiến khác được Viện Chính sách Công Moldova tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua cho thấy rằng, đa số dân chúng nước này coi Nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin là đáng tin tưởng nhất trong các chính trị gia nước ngoài.

Dân chúng Moldova coi ông Putin là đáng tin tưởng nhất trong các chính trị gia nước ngoài
Dân chúng Moldova coi ông Putin là đáng tin tưởng nhất trong các chính trị gia nước ngoài

Có khoảng 62,1% số người được hỏi cho rằng ông Putin là người đáng tin cậy, cao gần gấp hai lần so với người tiếp theo trong bảng xếp hạng là Tổng thống Romania Klaus Johannis (33,5%) - 2 đại diện tiêu biểu cho 2 luồng tư tưởng chính mà xã hội nước này đang ngả về.

Đứng ở các vị trí thứ 3 cho đến thứ 7 là các nhà lãnh đạo phương Tây, lần lượt từ Thủ tướng Đức Angela Merkel (thứ 3) với 29,7% số phiếu bầu và thứ 4 là Tổng thống Mỹ Barack Obama, người đã được tin tưởng bởi 25,3% số người được hỏi.

Xếp tiếp theo trong bảng xếp hạng “chỉ số niềm tin” là người đứng đầu nước Pháp Francois Hollande (19,2%), Thủ tướng Anh David Cameron (18,2%). Và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko chỉ được 10,7% công dân Moldova tin tưởng.

Cũng cần lưu ý rằng, so với nghiên cứu trước đó, đánh giá uy tín của tất cả các chính trị gia nước ngoài giảm đáng kể, trừ ông Putin.

Ngoài ra, một cuộc khảo sát khác rất đáng chú ý là theo kết quả thăm dò ý kiến được công bố trên trang web của Viện Quốc tế Cộng hòa của Hoa Kỳ, trong trường hợp Moldova tổ chức trưng cầu dân ý, đa số công dân nước này sẽ bỏ phiếu chống việc gia nhập NATO.

Cuộc khảo sát cho thấy rằng, ngoài 24% công dân không đưa ra ý kiến, hiện chỉ có 16% dân số ủng hộ nước cộng hòa này gia nhập NATO (giảm mạnh so với 31% trong tháng 10 năm 2014), và 40% phản đối (tăng 9% so với 31% cũng vào thời điểm tháng 10 năm 2014).

Trong kết quả còn đề cập tới con số 20% quyết định rằng, theo hay không theo NATO cũng được. Dựa trên đánh giá xu hướng, các chuyên gia Mỹ nhận định rằng, trong thời gian tới, sẽ có một phần lớn trong số này ngả theo hướng phản đối gia nhập NATO.

Tỷ lệ gia nhập các khối cộng đồng kinh tế ở Moldova tương đối cân bằng. Theo các dữ liệu khảo sát, 41% dân số Moldova ủng hộ đất nước gia nhập Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) do Nga lãnh đạo. Trong khi đó 40% số người được hỏi muốn hội nhập vào Liên minh châu Âu.

Những kết quả trên cho thấy, cơ bản là người dân Moldova ủng hộ sự phát triển quan hệ hợp tác với cả Nga và EU. Cùng với sự phản đối NATO, điều này chứng thực tuyên bố của lãnh đạo đảng Xã hội đối lập rằng, nhân dân nước này muốn đi theo con đường trung lập là chính xác.

Những con búp bê Nga Matryoshka in hình lãnh đạo Nga và phương Tây như thể hiện mong muốn của dân chúng Moldova là đi theo con đường trung lập
Những con búp bê Nga Matryoshka in hình lãnh đạo Nga và phương Tây như thể hiện mong muốn của dân chúng Moldova là đi theo con đường trung lập

Moldova lưỡng lự giữa hai dòng nước

Tuy nhiên, trong thời gian qua, ở Moldova đang dấy lên luồng ý kiến đòi tái sáp nhập Moldova với Romania (quốc gia NATO) hoặc vẫn giữ nguyên quy chế đất nước nhưng cũng sẽ gia nhập NATO, đồng thời đòi thay thế lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở Transnistria.

Đây là những quan điểm phản tác dụng, dẫn tới phá vỡ quan hệ Nga-Moldova vốn đã tương đối căng thẳng, đồng thời hết sức nguy hiểm cho tương lai của vùng lãnh thổ ly khai Transnistria (Pridnestrovia), và có thể gây ra bất ổn trong khu vực.

Transnistria (cũng gọi là Trans-Dniestr hay Transdniestria) là một lãnh thổ ly khai nằm trên một dải đất nằm giữa sông Dniester và biên giới phía đông của Moldova với Ukraine, bao gồm lãnh thổ phía đông sông Dniester, thành phố Bender và các địa phương lân cận nằm ở bờ Tây.

Kể từ khi tuyên bố độc lập vào năm 1990, vùng lãnh thổ ly khai không được công nhận này do ban lãnh đạo nước Cộng hòa Pridnestrovia Moldova (PMR, cũng gọi là Pridnestrovie) tự xưng quản lý, với Thủ đô không chính thức được đặt ở Tiraspol.

Cuộc xung đột quân sự giữa Moldova và nhà nước ly khai này bắt đầu từ tháng 3 năm 1992 và chấm dứt bằng một thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 7 năm 1992, với sự giám sát của một cơ quan quốc tế là Ủy ban Kiểm soát Liên hiệp ba bên Nga, Moldova, Transnistria.

Pridnestrovia là nước cộng hòa ly khai nằm giữa Moldova và Ukraine
Pridnestrovia là nước cộng hòa ly khai nằm giữa Moldova và Ukraine

Ủy ban này chịu trách nhiệm giám sát các thỏa thuận an ninh trong khu phi quân sự, bao gồm 20 địa phương ở cả hai bên bờ sông. Mặc dù đã ngừng bắn, song vị thế chính trị của lãnh thổ vẫn chưa được giải quyết triệt để khi Moldova không cho phép vùng lãnh thổ này được tách ra.

Tuy nhiên, Pridnestrovia là một quốc gia độc lập trên thực tế, mặc dù không được quốc tế công nhận. Chính quyền và nhân dân khu vực ly khai này đã nhiều lần trực tiếp gửi kiến nghị có hàng trăm ngàn chữ ký đề nghị được sáp nhập vào Nga nhưng Mosocow vẫn “chưa” đồng ý.

Việc chính quyền Moldova đang ngả theo về với NATO là điều hết sức nguy hiểm. Nếu vẫn giữ quan hệ với Mosocw, có thể Pridnestrovia sẽ không bao giờ sáp nhập về Nga, ngược lại, rất có thể vùng lãnh thổ này sẽ không bao giờ còn thuộc lãnh thổ Moldova nữa.

Vậy các chuyên gia chính trị và quân sự thế giới nghĩ thế nào về điều này? Moldova nên đi theo con đường của Ukraine là đoạn tuyệt quan hệ với Nga và sẵn sàng gia nhập NATO và mất Crimea hay đi theo con đường “chung sống hòa bình” với cả Nga và NATO như Phần Lan?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại