Vì sao ông Trump chọn Tổng thống Pháp là thượng khách đầu tiên để đãi quốc yến?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Nhìn vào lịch sử mối quan hệ giữa Mỹ và Pháp thì điều này không thể không gây bất ngờ bởi xưa nay, Mỹ vốn luôn coi trọng Anh hơn hẳn tất cả các đồng minh và đối tác khác ở châu Âu.

Tin tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đón tiếp tổng thống Pháp Emmanuel Macron sang thăm cấp nhà nước ngày 21/4 tới đã được tung ra từ cuối tháng 1 năm nay và giờ mới được chính thức xác nhận.

Giới truyền thông mới chỉ cho biết hoặc cũng có thể mới chỉ được biết là phía Mỹ sẽ đón tiếp ông Macron với 21 phát đại bác và ông Trump sẽ mở quốc yến dành cho vị khách này.

Ông Macron là người đứng đầu nhà nước và chính phủ nước ngoài đầu tiên được ông Trump mời sang thăm cấp nhà nước.

Theo White House Historical Association (tạm dịch: Hiệp hội Nghiên cứu Lịch sử Nhà Trắng), chưa có tổng thống Mỹ nào kể từ Calvin Coolidge, tổng thống thứ 30 của nước Mỹ và cầm quyền từ 1923-1929, chậm mời sang thăm cấp nhà nước như ông Trump.

Các cấp độ đón tiếp

Theo nghi thức lễ tân nhà nước của nước Mỹ, mức độ trọng thị trong đón tiếp của tổng thống Mỹ dành cho khách nước ngoài được thể hiện ở hai phương diện là cấp độ chuyến thăm và nghi lễ, hình thức đón tiếp.

Từ cao xuống thấp, ở Mỹ phân biệt và xếp hạng mức độ chuyến thăm như sau: cao nhất là thăm cấp nhà nước (State Visit), tiếp đến là thăm chính thức (Official Visit) rồi thăm làm việc chính thức (Official Working Visit), thấp hơn nữa là thăm làm việc (Working Visit) và cuối cùng là thăm cá nhân (Private Visit).

Đối với những chuyến thăm cá nhân, phía Mỹ không dành cho bất cứ nghi thức ngoại giao nào. Nghi thức lễ tân dành cho từng cấp độ chuyến thăm nêu trên được quy định rất cụ thể như sau.

State VisitOfficial Visit đều được tiến hành trong 4 ngày.

State Visit dành riêng cho người đứng đầu nhà nước của nước ngoài trong khi Official Visit dành cho người đứng đầu chính phủ nước ngoài.

Đối với hai cấp độ này sẽ có nghi lễ đón tiếp ở sân bay, nghi lễ đón tiếp ở Nhà Trắng với 21 phát đại bác cho State Visit và 19 phát đại bác cho Official Visit, có chuyện khách được mời nghỉ ở nhà khách của tổng thống (còn gọi là Blair House), có trao đổi quà tặng và treo cờ hai nước trên những tuyến phố nhất định ở thủ đô Washington.

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ. Nguồn: CGTN

Quốc yến được tổ chức theo hai cấp độ: cao nhất là quốc yến với White Tie, tức là với áo đuôi tôm, cho State Visit và quốc yến với Black Tie, tức là comple sẫm mầu, sơ mi trắng và nơ đen cho nam, váy diện sát đất cho nữ.

Quy định về trang phục cho các nghi lễ này rất cụ thể và đã có truyền thống từ vài trăm năm nay.

Nếu người đứng đầu nhà nước của nước ngoài đồng thời là người đứng đầu chính phủ thì chương trình ăn trưa ở Bộ Ngoại giao Mỹ (State Department Luncheon) do phó tổng thống và bộ trưởng ngoại giao Mỹ đồng chủ trì chiêu đãi.

Và cuối cùng là hoạt động phát biểu trước lưỡng viện lập pháp Mỹ nhưng đây là quyết định của Quốc hội chứ không phải là quyết định của tổng thống Mỹ.

Mức độ thăm làm việc chính thức và thăm làm việc dành cho người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ của nước ngoài kéo dài 3 ngày với nghi lễ đón tiếp ở sân bay.

Tổng thống Mỹ có thể tổ chức quốc yến với Black Tie cho Official Working Visit còn đối với Working Visit thì không.

Vì sao ông Trump chọn Tổng thống Pháp là thượng khách đầu tiên để đãi quốc yến? - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại quốc yến ở Nhà Trắng. Ảnh: AP

Trong cả hai cấp độ này, khách có thể được mời nghỉ ở nhà khách của tổng thống (Blair House), có thể phát biểu trước lưỡng viện lập pháp Mỹ nếu được quốc hội Mỹ đồng ý.

Đối với Official Working Visit, có hoạt động đón tiếp với 19 phát đại bác ở Bộ Quốc phòng Mỹ (Lầu Năm Góc).

State Department Luncheon cũng có trong chương trình của Official Working Visit và cho Working Visit nếu vị khách là người đứng đầu nhà nước đồng thời điều hành chính phủ.

Nhìn vào nghi thức lễ tân nhà nước của Mỹ thì ông Macron được mời sang thăm Mỹ ở cấp độ cao nhất, nhưng có với đầy đủ nghi lễ và hoạt động thuộc cấp thăm này hay không thì lại là chuyện khác.

Tổng thống Mỹ mời, nhưng khách có nhận lời hay không lại là chuyện khác vì khách có những đòi hỏi nhất định về mức độ đón tiếp trọng thị thể hiện ở nghi thức lễ tân.

Chẳng hạn như năm 1995, chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã không thăm Mỹ vì tổng thống Mỹ khi ấy là Bill Clinton e ngại quốc hội Mỹ không dám dành đầy đủ mọi mức độ đón tiếp cao nhất cho vị khách Trung Quốc. Mãi đến năm 1997, ông Giang Trạch Dân mới thăm Mỹ cấp nhà nước.

Tại sao ông Trump chọn ông Macron?

Cho dù mọi điều hiện vẫn chưa rõ hết thì ông Macron vẫn là người đầu tiên được ông Trump mời sang thăm Mỹ cấp nhà nước.

Ngoại giao Mỹ quy định cụ thể là trong một nhiệm kỳ cầm quyền, một vị khách nước ngoài chỉ được tổng thống đương nhiệm của Mỹ mời sang thăm Mỹ cấp nhà nước một lần.

Với lời mời này, ông Trump làm cho mối quan hệ giữa Mỹ và Pháp trở nên nổi bật và thể hiện sự coi trọng ông Macron. Nhìn vào lịch sử mối quan hệ giữa Mỹ và Pháp thì điều này không thể không gây bất ngờ.

Xưa nay, Mỹ vốn luôn coi trọng Anh hơn hẳn tất cả các đồng minh và đối tác khác ở châu Âu.

Ông Macron mới lên cầm quyền ở Pháp, còn rất trẻ, thành công chính trị lớn nhất đến nay là đắc cử tổng thống ở Pháp và trong thời gian cầm quyền đến nay chưa có được thành tựu đáng kể gì, ý tưởng bộc lộ nhiều, tham vọng cho thấy lớn nhưng thực hiện cụ thể chưa được bao.

Vì sao ông Trump chọn Tổng thống Pháp là thượng khách đầu tiên để đãi quốc yến? - Ảnh 3.

Với lời mời này, ông Trump làm cho mối quan hệ giữa Mỹ và Pháp trở nên nổi bật và thể hiện sự coi trọng ông Macron...

Vì vậy, việc ông Trump bất ngờ đề cao ông Macron đến thế với nghi thức lễ tân nhà nước cao nhất của Mỹ xem ra chỉ có thể giải thích được nhờ 3 lý do sau:

Thứ nhất, giữa ông Trump và ông Macron tuy có khoảng cách lớn về tuổi tác nhưng dường như có sự đồng thuận khá sâu rộng về ý thức hệ và về quan điểm chính sách.

Cũng dân tuý như nhau. Cũng tham vọng như nhau về làm cuộc cách mạng để thay đổi triệt để hệ thống chính trị.

Cũng coi mình là trung tâm và đất nước của mình "trước hết". Bối cảnh đưa họ đến với quyền lực ở hai nước lại khá giống nhau.

Thứ hai, ông Trump muốn tranh thủ ông Macron vì muốn gây dựng nước Pháp thay thế vai trò của nước Anh đã có đối với Mỹ trong EU sau khi nước Anh ra khỏi EU (Brexit) và chủ ý tạo sự khác biệt về đối xử (bên trọng, bên khinh) để phân hoá nội bộ EU, và nếu có thể được thì biến nước Pháp thành "con ngựa thành Troy" cho Mỹ ở châu Âu.

Ở châu Âu, ông Trump hiện chỉ còn có thể trông cậy vào ông Macron vì Anh sẽ ra khỏi EU, vì quan hệ của Mỹ với Đức và giữa ông Trump với thủ tướng Đức Angela Merkel không tồi nhưng cũng không thật sự tốt.

Vì sao ông Trump chọn Tổng thống Pháp là thượng khách đầu tiên để đãi quốc yến? - Ảnh 4.

Thứ ba, sau hơn một năm cầm quyền, ông Trump hiện có vẻ như đã bắt đầu thích thú với quyền lực và để ý nhiều hơn đến viêc tận hưởng quyền lực.

Trong quá khứ, ông Trump đã nhiều lần công khai thể hiện thái độ miệt thị nghi thức lễ tân nhà nước và hình thức thăm cấp cao.

Chẳng phải người này đã từng có lần nói về việc đón tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình như sau hay sao: "Tôi sẽ đưa cho ông ấy một cái bánh Hamburger và nói là chúng ta hãy bắt tay ngay vào công việc".

Xưa thế nhưng giờ thì khác. Chẳng phải mới rồi người này tung ra ý định tổ chức duyệt binh rầm rộ ở Mỹ hay sao? Nghi thức lễ tân nhà nước có sức mạnh và ý nghĩa đặc thù của nó. Nhưng việc sử dụng nó lại còn là biểu hiện rất rõ của quyền lực nhà nước.

*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại