Mối tình 'ngang trái' giữa 2 loài diều hâu đã tạo ra 1 giống con lai siêu hiếm khiến giới khoa học phải kinh ngạc

DG |

"Con lai khác chi" là một trường hợp cực kì hiếm gặp trong tự nhiên, ấy vậy mà nó đã xảy ra với 2 giống diều hâu tưởng chừng như không hề liên quan gì đến nhau.

Người ta cứ bảo ngôn tình chỉ là 1 thể loại tiểu thuyết viển vông, không có thực. Nhưng tôi lại dám khẳng định rằng trên đời này có những mối tình đẹp như trong cổ tích, vượt qua mọi rào cản, định kiến xã hội để có được cái kết trọn vẹn, hạnh phúc nhất. Đấy là tôi đang nói về thế giới động vật, còn con người chúng ta ngôn tình thế nào, thì tôi không rõ.

Nàng là một cô diều hâu lông đen điển hình, bình thường như bao bạn bè đồng loại khác. Chàng thì đặc biệt hơn chút khi thuộc dòng giống diều hâu Buteo lineatus, một loài diều hâu với phần lông ngực và chóp cánh phẩy chút đỏ vàng bắt mắt. Tưởng chừng như rất liên quan nhưng thực tế là bộ đôi này lại không hề nằm chung một giống loài, không cùng địa bàn sinh sống, tuyệt nhiên không phải hình mẫu bạn đời lý tưởng của nhau.

Ấy vậy mà sợi tơ hồng duyên nợ vẫn tìm cách trói chân hai nhân vật chính trong bộ ngôn tình của chúng ta lại với nhau. Vượt qua mọi khoảng cách địa lý, bất chấp những khác biệt về tập quán, diều hâu lông đen và diều hâu cánh đỏ vẫn có thể tìm thấy nhau, và lập tức rơi vào tiếng sét ái tình. Kết tinh cho đoạn tình yêu đẹp này chính là 1 giống chim lai hoàn toàn mới đã khiến giới khoa học kinh ngạc trong những ngày gần đây.

Mối tình ngang trái giữa 2 loài diều hâu đã tạo ra 1 giống con lai siêu hiếm khiến giới khoa học phải kinh ngạc - Ảnh 1.

Vốn là 2 loài khác chi (khó có thể sinh sản với nhau) nhưng mối tình giữa diều hâu lông đen và diều hâu cánh đỏ lại tạo ra 1 loài con lai khiến giới khoa học trầm trồ.

Một chút ngôn tình như vậy là đủ rồi. Giờ chúng ta cùng tìm hiểu cơ sở khoa học đằng sau cuộc tình ngang trái này là gì.

Trở lại năm 2005, Stan Moore, thành viên nghiên cứu chim săn mồi tại Viện Fairfax Raptor đã nhận ra một hiện tượng kì lạ chưa từng có tại khu phức hợp Laguna de Santa Rosa Wetland, California: Đó là sự xuất hiện của 1 con diều hâu lông đen - loài chim không bao giờ lởn vởn tại khu vực này. Thông thường, chúng sẽ sinh sống dọc theo những tuyến sông ở Trung Mỹ hoặc Nam Mỹ và chỉ một số ít di cư đến miền tây nam nước Mỹ. Môi trường sống gần nhất của loài chim này là vùng đông nam Nevada, tức là cách bang California hàng trăm cây số.

Tuy nhiên sau 1 thời gian quan sát, Stan nhận ra chú diều hâu lông đen trên đây không phải chỉ là khách qua đường. Nó quyết định sinh sống và làm tổ ngay tại khu vực này. Nhà sinh thái học Jennifer Coulson của Đại học Tulane lý giải rằng: “Khu Laguna de Santa Rosa Wetland là một vùng đất giàu có, mang lại nhiều cơ hội săn mồi, nhiều nguồn thức ăn đa dạng cho diều hâu. Đây có lẽ là 1 phần lý do khiến cho chú chim này quyết tâm ở lại California”.

Mối tình ngang trái giữa 2 loài diều hâu đã tạo ra 1 giống con lai siêu hiếm khiến giới khoa học phải kinh ngạc - Ảnh 2.

Câu chuyện bắt đầu khi cô diều hâu lông đen này bỗng một mình xuất hiện tại California.

4 năm sau, Stan bắt được chú chim kỳ lạ này, xác định nó là giống cái và dùng một miếng băng chân buộc vào nó để đánh dấu và tiện cho quá trình theo dõi sau này. Đây cũng chính là thời điểm cô diều hâu lông đen sa vào lưới tình của anh diều hâu cánh đỏ. Thế nhưng như đã nêu trên, đây vốn là 2 loài hoàn toàn khác biệt, thế nên là tình yêu giữa chúng không phải lúc nào cũng “cơm lành canh ngọt”.

So với người bạn tình, diều hâu cánh đỏ có kích thước nhỏ hơn, bộ lông cũng đặc biệt hơn chút khi bao phủ 1 màu rỉ sét ở khắp phần ngực và một phần cánh, đôi chỗ lại điểm vài chấm trắng lởm chởm. Vì thế, mặc dù thường xuyên tới lui với nhau, 2 loài chim này vẫn không thể tạo ra thành quả đáng kể nào cả.

Mãi đến năm 2012, một chuyên gia quan sát chim mới nhận ra 1 giống chim lai kì lạ, với tuổi đời còn khá trẻ, lẽo đẽo bay theo sau cô diều hâu lông đen, nhưng không ai rõ lai lịch của nó.. Khoảng 1 - 2 năm sau đó, cô chim này tiếp tục kết thân với 1 chàng cánh đỏ khác, tình cảm lên cao đến mức cả 2 quyết định về chung 1 nhà và xây dựng tổ ấm cùng nhau.

Mối tình ngang trái giữa 2 loài diều hâu đã tạo ra 1 giống con lai siêu hiếm khiến giới khoa học phải kinh ngạc - Ảnh 3.

Còn đây là nam chính của bộ ngôn tình lần này. Chụp cận cảnh thì trông to con vậy tôi chứ thực chất nó nhỏ hơn bạn tình của mình rất nhiều.

Đến mùa xuân năm 2014, cuối cùng thì Stan Moore cũng đã tận mắt chứng kiến những đứa con lai đầu tiên của cặp đôi duyên nợ này ra đời. Giống chim lai mới này sở hữu bộ lông đen đặc trưng của mẹ cùng kích thước cơ thể tương đối lớn. Thế nhưng, phần đầu của chúng lại tròn vo, mỏ cong và phần hàm hẹp, nhưng đặc điểm thừa hưởng từ bố.

Trong thực tế, các loài vật con lai không có gì là mới mẻ, và chúng thường là kết quả của những cuộc tình giữa 2 loài cùng giống. Ví dụ như chó sói và chó coyote đều thuộc giống Canis, hay gấu xám Bắc Mỹ và gấu Bắc Cực đều thuộc giống Ursus. Tuy nhiên, diều hâu lông đen và diều hâu cánh đỏ thuộc 2 giống hoàn toàn khác nhau - Beteogallus và Buteo. Chúng có thể có họ xa, như con người với tinh tinh hay mèo nhà với báo đốm vậy, nhưng gần như là không thể tạo ra con lai khi giao phối.

“Con lai khác chi”, thuật ngữ khoa học cho tình huống này, là 1 trường hợp cực kì hiếm có trong tự nhiên và mới chỉ xảy ra 1 vài lần giữa diều hâu và đại bàng mà thôi. Jennifer Coulson cho biết phát hiện trên đây sẽ là một thành tựu lớn đối với ngành khoa học nói chung và sinh học nói riêng: “Đây là trường hợp mà không phải lúc nào chúng ta cũng có đủ may mắn để quan sát được”. Đó là chưa kể vì có kích thước lớn hơn hẳn bạn tình, cô diều hâu lông đen hoàn toàn có thể gây nguy hiểm cho anh lông đỏ trong quá trình giao phối.

Mối tình ngang trái giữa 2 loài diều hâu đã tạo ra 1 giống con lai siêu hiếm khiến giới khoa học phải kinh ngạc - Ảnh 4.

Con lai giữa diều hâu lông đen và diều hâu cánh đỏ.

Vấn đề lớn nhất khiến “con lai khác chi” trở thành hiện tượng hiếm gặp nằm ở khả năng tương thích sinh học. Nhà sinh vật học Jente Ottenburrghs tại Đại học Wageningen, Hà Lan cho biết: “Khả năng 2 cá thể có thể giao phối và tạo ra con lai phụ thuộc vào khoảng cách di truyền giữa chúng. Nếu chúng tiến hóa độc lập theo thời gian thì khoảng cách này sẽ càng tăng cao”. Jennifer chia sẻ thêm rằng khoảng cách di truyền giữa 2 cá thể diều hâu này cao gấp 3, 4 lần so với những cặp cá thể có thể tạo ra con lai khác.

Ngôn tình vẫn luôn hướng đến sự hoàn mĩ, tập trung vào những điều bay bổng, lãng mạn, và chắc chắn sẽ phần nào đó vỡ mộng khi khoa học can thiệp vào. Trong trường hợp này cũng vậy. Các nhà nghiên cứu cho biết việc diều hâu lông đen lựa chọn diều hâu cánh đỏ làm bạn tình hoàn toàn là để giải quyết nhu cầu sinh lý chứ chưa chắc đã liên quan đến mặt tình cảm.

Như đã nêu trên, các cá thể lông đen gần như không bao giờ xuất hiện tại California. Vì vậy, để tìm được đồng loại của mình tại đây là cả 1 vấn đề nan giải. Thế nên cô nàng lông đen của chúng ta mới chọn anh cánh đỏ - cá thể gần với loài của mình nhất, để giao phối “tạm”, và may mắn tạo ra 1 loài con lai hoàn toàn mới.

Mối tình ngang trái giữa 2 loài diều hâu đã tạo ra 1 giống con lai siêu hiếm khiến giới khoa học phải kinh ngạc - Ảnh 5.

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể khẳng định liệu giống diều hâu con lai mới này có thể có khả năng sinh sản hay không.

Hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu xem liệu giống con lai mới này có khả năng sinh sản được hay không, nhưng vẫn chưa thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất. Nếu khả quan, nó hoàn toàn có thể lai chéo với diều hâu lông đen và diều hâu cánh đỏ để duy trì dòng DNA mới thừa hưởng của 2 loài này. Jente cho biết: “Hãy tưởng tượng trường hợp tương tự giống như con người với chủng người Neanderthal vậy. Trong 1 vài trường hợp cụ thể, việc trao đổi gene có thể sẽ mang lại những lợi ích nhất định cho 1 trong 2 loài. Vì vậy, lai tạo là 1 yếu tố quan trọng trong quá trình tiến hóa nói chung”.

Theo Gizmodo

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại