Mỗi thẻ ATM 'gánh' đến 25 loại phí là quá nhiều

TL |

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi thẻ ATM khách hàng phải "gánh" 20-25 loại phídịch vụ cơ bản của ngân hàng khiến người dùng tỏ ra bức xúc.

Liên quan đến vấn đề phí ATM, Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cho biết đối với phí thẻ ghi nợ nội địa (thẻ ATM), NHNN quy định thông thường mỗi thẻ ATM chỉ chịu chủ yếu một vài loại phí như rút tiền tại ATM, chuyển khoản nội mạng hoặc ngoại mạng, in sao kê,...

Một chuyên gia về thẻ ngân hàng cho rằng cần phải thu phí dịch vụ thẻ ATM vì ngân hàng phải bỏ tiền ra để đầu tư máy móc khoảng 400-600 triệu đồng/máy.

Ngoài ra, ngân hàng cũng phải có chi phí lắp đặt, bảo trì, an ninh… Tất cả chi phí đó nếu không được bù đắp thì rất khó. Do vậy khi người tiêu dùng sử dụng dịch vụ ATM thì việc phải trả phí là bình thường.

Mỗi thẻ ATM gánh đến 25 loại phí là quá nhiều - Ảnh 1.

Mặt khác, theo Thông tư số 35/2012/TT-NHNN quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa (thẻ ATM), trong đó bao gồm sáu loại phí cơ bản như phí phát hành thẻ, phí thường niên, phí rút tiền mặt, phí chuyển khoản, phí vấn tin tài khoản, phí in sao kê.

Song thực tế, các chủ thẻ thường chỉ phải chịu hai loại phí cố định là phí phát hành thu một lần khi phát hành thẻ và phí thường niên thường thu hằng năm trong quá trình sử dụng. Còn đối với phí rút tiền mặt, phí chuyển khoản, phí vấn tin tài khoản, phí in sao kê, khách hàng sử dụng dịch vụ đến đâu thì trả phí đến đó.

Đối với phí rút tiền mặt nội mạng, tại Thông tư 35/2012/TT-NHNN đã quy định mức phí tối đa từ 1.000 đồng/giao dịch vào năm 2013 đến 3.000 đồng/giao dịch năm 2015 và phí rút tiền mặt ngoại mạng là 3.000 đồng/giao dịch.

Trước đó nhiều ý kiến bức xúc cho biết theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay mỗi thẻ ATM khách hàng phải "gánh" 20-25 loại phí dịch vụ cơ bản của ngân hàng. Việc mỗi thẻ ATM có thể phải gánh đến 25 loại phí là quá nhiều, không hợp lý.

Đặc biệt dù nộp nhiều khoản phí nhưng chất lượng dịch vụ thẻ lại chưa xứng tầm. Thực tế cho thấy là có không ít khách hàng bị mất tiền trong khi thẻ vẫn nằm trong ví, hay như tình trạng nghẽn mạng, ATM hết tiền vẫn tái diễn...

Không chỉ vậy mới đây, một số ngân hàng thương mại đã kiến nghị lên NHNN về việc có lộ trình điều chỉnh tăng phí giao dịch qua ATM nhằm bảo đảm bù đắp một phần chi phí cho các ngân hàng đầu tư hệ thống ATM.

Bởi mức chi phí đầu tư cho một giao dịch rút tiền qua ATM khoảng 7.000 đồng (tùy theo mức đầu tư của từng ngân hàng) thì mức thu phí rút tiền như hiện nay ngân hàng đang bị lỗ.

Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải sự phản ứng của dư luận, khi nhiều chủ thẻ cho rằng hiện sử dụng thẻ ATM đã phải gánh quá nhiều loại phí.

Theo NHNN, đến nay đã có 53 tổ chức phát hành và thanh toán thẻ, số lượng thẻ cũng được các ngân hàng quan tâm phát triển và vẫn tăng trưởng đều qua các năm.

Số lượng các máy chấp nhận thẻ (POS) có tốc độ tăng trưởng nhanh. Theo số liệu từ NHNN, đến cuối tháng 12-2016, trên toàn quốc có 17.472 ATM và hơn 263.427 POS được lắp đặt, tăng lần lượt khoảng 53% và 407% so với cuối năm 2010.

Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán thẻ qua POS tăng. Cụ thể, năm 2016 số lượng giao dịch và giá trị giao dịch tăng lần lượt khoảng 73% và 30% so với năm 2015.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại