Tôi muốn kể lại một câu chuyện khác. Đại hội 7 VFF, ông Lê Hùng Dũng khi đó đương chức Phó chủ tịch tài chính VFF, đã nhận được sự ủng hộ từ số đông dư luận cũng như giới truyền thông.
Những người ủng hộ ông Lê Hùng Dũng đưa ra các luận điểm như: VFF là tổ chức xã hội-nghề nghiệp, trong bối cảnh bóng đá cần tiền thì một doanh nhân là thích hợp nhất. Ở góc độ này, ông Lê Hùng Dũng đã thể hiện năng lực kiếm tiền rất tốt cho VFF trong thời gian giữ chức Phó chủ tịch tài chính.
Nhưng cũng có những quan điểm ngược lại, cho rằng Chủ tịch VFF nên tiếp tục là một người nhà nước, như lịch sử 6 nhiệm kỳ trước đó. Hai quan chức ngành thể thao được nhắc tên với tư cách ứng viên cạnh tranh với ông Lê Hùng Dũng là Thứ trưởng Lê Khánh Hải và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn.
Ngành thể thao đã cân nhắc trường hợp Thứ trưởng Lê Khánh Hải nhưng sau đó ông Hải xin rút lui, mở đường cho chiến thắng của ông Lê Hùng Dũng trong cuộc bầu cử sau đó ở đại hội.
Có một sự khác biệt lớn ở đại hội 8 sắp tới so với đại hội 7, là tình trạng đấu đá phe nhóm đang diễn ra hết sức quyết liệt, dai dẳng. Có nhiều lý do khiến ông Lê Hùng Dũng trước đây thắng dễ, nhưng tôi cho rằng một yếu tố căn bản phải chỉ ra, là ông Dũng vượt trội hơn hẳn so với các ứng viên còn lại.
Trong khi đó ở Đại hội 8 tình hình đang ngược lại, ứng viên lãnh đạo chủ chốt VFF dù rất đông nhưng bị đánh giá không "tinh". Người nhận được nhiều tín nhiệm nhất là Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn thì do vướng các vi phạm trong sinh hoạt Chi bộ VFF đã không thể ra tranh cử.
Những người còn lại đều có rất ít uy tín trong giới bóng đá, không được nhiều người tin tưởng. Đây cũng là lý do VFF vừa qua phải gia hạn thời gian tiến cử lần thứ 3 đối với các tổ chức thành viên.
Trở lại với tình trạng đấu đá, gây mất đoàn kết ở trên, việc một tổ chức, cá nhân có quan điểm ủng hộ hay tiến cử ai làm Chủ tịch VFF là quyền và có thể nói, cũng là trách nhiệm với bóng đá. Như đại hội 7, các tiếng nói được đưa ra công khai, văn minh, có sức thuyết phục. Cuối cùng ai là người chiến thắng thì tất cả đều cùng vì hướng tới lợi ích chung.
Nhưng thay vì đưa ra luận điểm bảo vệ ý kiến, quan điểm của mình, "nhóm lợi ích" nói trên lại sử dụng chiêu thức tấn công vào các ứng viên còn lại, không từ một chiêu trò nào: tung tin bôi nhọ trên mạng xã hội, đưa tin thất thiệt, bóp méo trên mặt báo, gây chia rẽ nội bộ làng bóng đá…
Việc ông Trần Quốc Tuấn bị "đánh" suốt thời gian vừa qua, cũng xuất phát từ lý do ông Tuấn được đánh giá là ứng viên lớn trong cuộc đua. Dễ nhận ra ngay khi có tin Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện được giới thiệu tranh cử, ông Thiện đang trở thành cái đích công kích tiếp theo.
Đây là vấn đề hết sức nguy nan với bóng đá Việt Nam, bởi với cách thức này, "nhóm lợi ích" trên sẽ khiến cho bất kỳ ai có năng lực và tâm huyết vào với bóng đá đều sẽ nản lòng, không dám tham gia.
Các hoạt động này rõ ràng là một sự thách thức chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và Bộ VH-TT&DL về việc sớm củng cố, kiện toàn bộ máy lãnh đạo VFF để thực hiện các nhiệm vụ của bóng đá Việt Nam.
Dù chỉ là một môn thể thao nhưng bóng đá có tác động lớn tới xã hội, rất cần sự quan tâm sâu sát của nhà nước. Liệu có thể chờ đợi gì vào một vị tân Chủ tịch VFF, trèo lên ngôi cao chỉ bằng chiêu trò và thủ đoạn đánh "dưới thắt lưng" đối thủ?
Có lẽ việc cần làm lúc này là phải tìm được người thực sự có tâm huyết và tài năng vào chiếc ghế Chủ tịch VFF, có thể nhắc tới một gương mặt từng được nêu tên như Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát Trần Đình Long. Ông Long từng được "ướm lời" nhưng từ chối vì lý do bận công việc, nhưng rất có thể thái độ của Bộ VH-TT&DL sẽ khiến ông Long thay đổi.