Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính chung 7 tháng vừa qua, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) rót vào Việt Nam là 22,94 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, 7 tháng qua, trung bình mỗi ngày Việt Nam thu hút hơn 100 triệu USD vốn FDI.
Xét về lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều vốn nhất, đạt 9,63 tỷ USD, chiếm 41,95% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,6 tỷ USD, chiếm 24,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,69 tỷ USD, chiếm 7,4% tổng vốn đầu tư đăng ký...
Để có số vốn FDI nêu trên, cả nước đã đón nhận 1.656 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới là 13,2 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2017; đồng thời có 627 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 4,95 tỷ USD, bằng 84,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Cũng trong 7 tháng, cả nước có 3.331 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị vốn góp gần 4,79 tỷ USD, tăng 53,3% so với cùng kỳ 2017.
Trong số các đối tác đầu tư, Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 6,88 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,46 tỷ USD, chiếm 23,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,73 tỷ USD, chiếm 11,9% tổng vốn đầu tư...
Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng số vốn đăng ký là 6,17 tỷ USD, chiếm 26,9% tổng vốn đầu tư. TP Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký là 4,12 tỷ USD, chiếm 17,9% tổng vốn đầu tư. Bà Rịa – Vũng Tàu đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký 2,15 tỷ USD chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư...