Mỗi ngày có 258 doanh nghiệp Việt Nam "chết"

Phương Đức |

Hết quý I, số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tại Việt Nam là 23.271 đơn vị. Tính trung bình, mỗi ngày Việt Nam mất đi gần 258 doanh nghiệp.

Theo báo cáo mới công bố của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), trong quý I.2016, tại Việt Nam có 23.767 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp ngừng hoạt động trong khoảng thời gian này là 23.271. Điều này đồng nghĩa với việc, cứ một doanh nghiệp "sinh ra" thì có một doanh nghiệp khác "mất đi" và tổng doanh nghiệp Việt gần như không đổi.

Hiện tượng "sức khoẻ kém" của khối doanh nghiệp đã bắt đầu manh nha từ năm 2010 và có xu hướng tăng qua các năm.

Số doanh nghiệp bị khai tử từ 2013 - 2015 lần lượt là 60.737, 67.823 và 80.858. Nhiều chuyên gia dự báo xu hướng này sẽ chưa dừng lại trong thời gian tới.

Ngoài số doanh nghiệp "chết" theo kiểu tan rã hay đóng băng vô thời hạn, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, còn dạng biến mất khỏi thị trường khác, tương đối thành công, chính là mua bán – sát nhập (M&A).

Thương vụ Kinh Đô là một ví dụ điển hình. 22 năm tồn tại trên thị trường, thương hiệu bánh kẹo này đã được bán 80% cho tập đoàn Mondelez International.

Cái tên Kinh Đô được đính kèm tên của tập đoàn mua nó về, thành Kinh Đô Mondelez, còn chủ cũ của nó, CTCP Kinh Đô đã xin đổi tên thanh CTCP Tập đoàn Kido và không còn gì dính đến bánh kẹo.

Hay như trường hợp của Phở 24. Đây là một doanh nghiệp nhượng quyền thương mại thành công ở Việt Nam.

Thương hiệu này được sang tay cho Highlands Coffee rồi từ đây bị bán một lần nữa cho Jollibee của Philippines. Diana 15 năm tồn tại bị bán cho Unicharm (Nhật Bản).


Hình minh họa

Hình minh họa

“Nuôi lớn rồi thịt” là một trong những phương cách kinh doanh của các ông chủ Việt Nam hiện nay.

Ở một khía cạnh, nó được đánh giá là phương cách đầu tư khôn ngoan, nhưng, một khía cạnh khác, đó là sự rút lui khỏi thị trường.

Một trong những nguyên nhân khiến cho các ông chủ đứt ruột bán đi "đứa con tinh thần" của mình là vì không có khả năng cạnh tranh hoặc không có khả năng tiếp tục phát triển.

Do đó, họ lựa chọn phương án “bán khi đang được giá”.

Theo bà Chi Lan, kiểu biến mất này không gây “đau đớn” như việc để doanh nghiệp "chết" vì nhà kinh doanh vẫn thu được tiền để xoay vòng và tham gia những dự án khác.

Tuy nhiên, nền kinh tế trong nước vì thế mà mất đi những thương hiệu mạnh, lâu đời.

Bà cũng cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp đứng trước tương lai mở cửa kinh tế sắp tới đã không giấu nổi tâm lý lo lắng. TPP là cơ hội, là cải cách nhưng nó cũng tạo ra không ít cạnh tranh, thách thức cho các doanh nghiệp trong nước.

Nhiều doanh nghiệp thấy xu hướng đó và quyết định “dừng cuộc chơi”. “Rõ ràng tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp bị tổn thương nặng nề”, bà Chi Lan nhấn mạnh.

Để giải quyết vấn đề trên, theo các chuyên gia, phải thay đổi, cải cách thể chế bởi thể chế có thay đổi, thì doanh nghiệp mới có thể có sự khởi sắc.

Như cách ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì “thể chế nào, doanh nhân đấy”.

Không thể đòi doanh nghiệp sống được, sống khoẻ được nếu như trên đầu nó còn gánh hàng nghìn loại phí chính thức và phi chính thức, thủ tục công rắc rối, phiền hà, khu vực công không minh bạch khiến doanh nghiệp hoặc phải đi cửa sau hoặc “chùn chân mỏi gối”.

Mặt khác, về phía doanh nghiệp, họ cũng cần thay đổi cách kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ, chủ động sáng tạo, đổi mới, để có thể tạo nên nội lực phát triển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại