Hiếm có ai đang ở gần độ tuổi thất thập cổ lai hy như cụ Mai Thị Bực (66 tuổi, ấp Hòa Lân, xã Thuận Giao, TX. Thuận An, Bình Dương) lại có sức mạnh phi thường để mang những giỏ đựng gốm sứ nặng hàng chục ký đi lang thang khắp Sài Gòn bán dạo.
Đợt này, Sài Gòn thường hay xuất hiện những cơn mưa bất chợt vào buổi trưa và chiều nhưng cũng không thể làm chùn những bước chân dẻo dai của cụ Bực.
Dáng người nhỏ thó, gầy gò với mái tóc bạc phơ nhưng cụ vẫn âm thầm mưu sinh vì con cháu. Góc đường Đồng Khởi - Ngô Đức Kế (quận 1) là địa điểm dừng chân đầu tiên của cụ Bực khi từ Bình Dương vượt hơn 20km lên Sài Gòn bán đồ gốm sứ.
Hàng ngày, cụ Bực vai đeo, tay xách, lỉnh kỉnh các giỏ đựng gốm sứ nặng hàng chục ký đi dạo bán khắp Sài Gòn.
Chén, đĩa, ly... bằng gốm sứ được bày ra để mọi người đi ngang qua, cụ lại mời gọi vào lựa mua.
Gốm sứ Bình Dương chất lượng khá tốt lại còn giá rẻ.
Cụ Bực cho biết, không chỉ dừng chân tại một địa điểm cụ thể mà cụ còn đi bán dạo ở quanh chợ Bến Thành, đường Lê Thánh Tôn, phố đi bộ Nguyễn Huệ. Nếu bán chưa hết 4 giỏ xách to đùng đựng đầy gốm sứ, cụ lại đi tiếp.
"Trước đây tôi bán chuối nướng rồi mới chuyển sang bán đồ gốm sứ này. Tính ra buôn bán đồ gốm sứ dạo này cũng được 10 năm, mặc dù biết nặng nhọc nhưng quen rồi nên hiện giờ không thể làm cái nghề khác được", cụ Bực chia sẻ.
Cũng theo cụ, nếu sức khỏe còn cho phép thì cứ mưu sinh với nghề này tiếp nữa để lo cho con cháu. Tâm sự về gia đình, cụ Bực cho biết hiện tại cụ đang sống cùng đứa con gái và hai đứa cháu ngoại.
Con gái cụ thì bị bệnh ung thư, cũng đang cố gắng làm công việc lau dọn, xếp chăn màn tại một khách sạn ở gần nhà để sống qua ngày.
Còn 2 đứa cháu ngoại thì một đứa vào chùa tu, đứa còn lại tâm trí khờ khạo cũng không làm được gì để phụ bà ngoại.
"Hàng ngày, khoảng nửa buổi sáng tôi đi lấy gốm ở chỗ đầu mối, sau đó đón xe buýt đi xuống bến xe Miền Đông rồi bắt tiếp xe buýt về Bến Thành.
Cuối cùng đón xe ôm tới góc đường 33, Đồng Khởi này để bán, nếu bán chưa hết thì tay xách nách mang gốm sứ đi bán tiếp", cụ Bực cho hay.
Cụ cũng bán nhiều loại ly sứ được vẽ hình khá thương và đẹp mắt.
Khách luôn mua với số lượng nhiều để ủng hộ cụ Bực.
Có những khách hẹn cụ qua điện thoại để biết địa điểm đến mua hàng.
Cụ Bực khá vui tính và hoạt bát, lại dí dỏm nên được nhiều người thương mến. Đang ngồi soạn chén, đĩa, ly, bát... bằng gốm sứ ra bày bán khi có khách đi ngang cụ liền mở nụ cười mời gọi: "Mua đi cô cậu, gốm sứ giá rẻ chỉ từ 10.000 đồng - 50.000 đồng thôi".
Cụ tên Bực, nhìn như nụ cười của cụ thì không ai mà bực cho nổi!
Mỗi ngày buôn bán như thế nếu trừ hết chi phí thì cụ lời được 100.000 - 200.000 đồng. Mặc dù tay xách nặng nề và cực nhọc khi vượt đường xa đi mưu sinh nhưng lúc bán cụ cũng không quên khuyến mãi cho khách một lọ hoa bằng sứ nếu khách mua số lượng nhiều.
Nụ cười hóm hỉnh và trìu mến luôn được mọi người yêu mến.
Khi biết được hoàn cảnh éo le của cụ bà, nhiều bạn trẻ mỗi lần ngồi lựa lại cố gắng mua nhiều nhất có thể để chung tay phụ giúp cụ bán nhanh hết để về.
"Nhìn bác ấy đã già mà còn phải mang nặng đi bán thật khổ quá nên tôi mua ủng hộ cụ, nếu không dùng thì mua tặng bạn bè cũng được.
Đồ gốm sứ của cụ bán nhìn bên ngoài khá đẹp mắt, chất lượng tốt lại còn rẻ nữa", chị Hằng (nhân viên văn phòng ở quận 1) chia sẻ.
Hôm chúng tôi đến gặp cụ, lúc này đã 2h chiều, mặc dù đã có nhiều người mua ủng hộ nhưng cụ Bực vẫn bán chưa hết số đồ gốm còn trong giỏ xách, bất chợt một cơn mưa lớn bất ngờ đổ xuống.
Mọi người đều vội vã "chạy" mưa, còn cụ vẫn đội mưa để thu gom lại mớ đồ gốm đã bày bán vào giỏ. Trong cơn mưa nặng hạt, một mình cụ lầm lũi giữa một góc đường khiến những ai chứng kiến đều thường xót: "Cụ ấy khổ quá, tuổi già rồi mà cũng không được nghỉ ngơi".
Khoảng 30 phút sau, cơn mưa nhẹ hạt hơn, cụ Bực vai mang một giỏ, tay xách giỏ còn lại tiếp tục hành trình mưu sinh của mình.Vì con cháu, cụ sẽ đi, đi mãi đến khi nào đôi chân dẻo dai ấy không còn bước được nữa, cụ đi với nụ cười lúc nào cũng nở trên môi...
Trời đổ cơn mưa nặng hạt, cụ dọn hàng vào để đi bán tiếp ở chỗ khác.
Cơn mưa cũng vơi bớt để cụ tiếp tục mưu sinh kiếm tiền lo cho con cháu.
Về hoàn cảnh của cụ Bực, chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Công Danh - Trưởng ban điều hành khu phố Hòa Lân, Bình Dương cho biết: "Hoàn cảnh bà Bực khá khó khăn.
Từ lúc chị Hồng (con bà Bực) mắc bệnh ung thư thì cuộc sống của gia đình bà lại càng cơ cực hơn.
Chúng tôi biết bà phải lên Sài Gòn bán dạo để mưu sinh nuôi con cháu nên thời gian qua, khu phố và chính quyền địa phương luôn tìm mọi cách hỗ trợ cho gia đình bà Bực cũng như những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn khác trong khu vực".