Đây là thông tin được HSBC công bố trong báo cáo Khảo sát Kết Nối Đông Nam Á. Theo đó, mỗi năm hơn 100.000 người Việt Nam chọn ra nước ngoài du học.
Với mức học phí trung bình từ 30.000 đến 40.000 USD/năm, tổng cộng người Việt đang chi mỗi năm khoảng 3 tỷ USD để có được nền giáo dục quốc tế (thống kê từ VBF 2015). Trong khi đó, ở Việt Nam, có khoảng 8 trường đại học, 12 trường cao đẳng được mở trung bình hàng năm.
Giải thích cho hiện tượng này, HSBC chỉ ra 3 yếu tố, bao gồm:
- Nhân khẩu học thuận lợi: Hiện Việt Nam có hơn 90 triệu dân với số lượng sinh viên, học sinh cao.
- Tốc độ phát triển kinh tế nhanh: Với tốc độ tăng trưởng 6,3%, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất trong số các quốc gia được khảo sát.
- Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu – những người sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho sự phát triển của con cái: tầng lớp này hiện đang có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á và có triển vọng tăng từ 12 triệu người vào năm 2012 lên 33 triệu người năm 2020.
Chính những yếu tố này hỗ trợ tích cực cho việc ngày càng nhiều học sinh Việt Nam đi du học.
Theo đó, tỉ lệ đăng ký nhập học đại học cao đẳng của Việt Nam dự đoán tăng từ 162 sinh viên trên 10.000 người vào năm 2001 lên hơn 400 sinh viên trên 10.000 người vào năm 2020. Tổng số sinh viên nhập học đại học cao đẳng giai đoạn 2000 đến 2013 đã tăng gấp ba đạt 2,25 triệu sinh viên.
Với thực trạng đó, HSBC nhận định giáo dục Việt Nam đang là một “mỏ vàng” tiềm năng mà các đơn vị đào tạo của Úc phải để mắt khai thác.