Mối lo TP HCM thành đô thị tắc nghẽn nhất Đông Nam Á

Lê Vĩnh |

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng TP HCM là đô thị lớn nhất Việt Nam nhưng tất cả các cửa ngõ đều đang ách tắc, chưa đột phá thành những đường cao tốc kết nối trung tâm thành phố đến các nơi.

Hội nghị trực tuyến Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29-8-2005, Kết luận số 27-KL/TW ngày 2-8-2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 định hướng đến năm 2020 diễn ra vào sáng 9-7.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu TP HCM có Thủ tướng Phạm Minh Chính; Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cùng đại diện các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Công an. Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

 Mối lo TP HCM thành đô thị tắc nghẽn nhất Đông Nam Á  - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu tại Hội nghị

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã có những phát biểu đáng chú ý liên quan đến thực trạng giao thông của TP HCM, Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá TP HCM là đô thị lớn nhất Việt Nam nhưng tất cả các cửa ngõ đều đang ách tắc, chưa đột phá thành những đường cao tốc kết nối trung tâm thành phố đến các nơi.

Ngay trong TP HCM cũng đang ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Thành phố thiếu những đường trục Bắc – Nam, Đông – Tây mang tính chất là đường chính.

"Nếu tình hình này không được cải thiện thì chắc chắn TP HCM sẽ trở thành một trong những đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á" – ông Thể nhận định.

Tư lệnh ngành GTVT cho rằng để tháo gỡ những khó khăn này, TP HCM phải quan tâm đặc biệt đến hệ thống giao thông trục chính, giao thông vành đai.

Nói về vấn đề giao thông liên vùng của TP HCM, Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng chỉ rõ đang tồn tại những bất cập, nhất là đường kết nối xuống các cảng biển chưa bảo đảm.

"Cát Lái là cảng container lớn nhất Đông Nam Bộ nhưng con đường xuống cảng này thì luôn tắc nghẽn, nhất là trong giờ cao điểm. Cảng Cái Mép - Thị Vải vô cùng thuận lợi, là một trong những cảng tốt nhất của Việt Nam và khu vực nhưng cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu chưa triển khai. Tiềm năng thì rất là lớn nhưng khai thác cảng rất hạn chế" – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể dẫn chứng.

Liên quan đến những bất cập về giao thông liên vùng của TP HCM, Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu nguyên nhân chính là do đường Vành đai 2 chưa được kết nối đồng bộ, trong khi dự án đường Vành đai 3 chỉ mới được Quốc hội thông qua, còn đường Vành đai 4 vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, các đường cao tốc liên vùng kết nối TP HCM, vùng kinh tế trọng điểm với các địa phương như TP HCM – Cần Thơ, TP HCM – Dầu Giây, TP HCM – Chơn Thành rơi vào tình trạng quá tải hoặc đã có kế hoạch nhưng chưa được triển khai.

"Sân bay Tân Sơn Nhất thì quá tải liên tục; đường sắt lạc hậu; đường thủy nội địa tương đối tốt nhưng nhiều cây cầu thấp nên không vận chuyển được container…" - ông Nguyễn Văn Thể nêu thêm.

 Mối lo TP HCM thành đô thị tắc nghẽn nhất Đông Nam Á  - Ảnh 2.

Quang cảnh Hội nghị

Từ thực tiễn trên, Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị TP HCM tập trung thông tuyến Vành đai 2 trong vài năm tới; quyết liệt trong phối hợp với các địa phương để đến năm 2025-2026 hoàn thành tuyến Vành đai 3 dài khoảng 98 km; ưu tiên xây dựng một số tuyến cao tốc như cao tốc TP HCM – Mộc Bài, cao tốc TP HCM – Chơn Thành; triển khai các giải pháp để mở rộng tuyến cao tốc TP HCM – Long Thành; có kế hoạch nâng cấp cao tốc TP HCM – Trung Lương.

"Trung ương và địa phương cùng hợp lực, đẩy mạnh xã hội hóa, từng bước giải quyết ách tắc giao thông của TP HCM để có được hệ thống giao thông, nhất là đường cao tốc tương đối tốt trong khu vực để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn sắp tới" – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể gợi mở.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị TP HCM phối hợp với Bộ Quốc phòng nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất để bảo đảm phục vụ 50 triệu lượt khách/năm. Riêng sân bay Long Thành, Chính phủ quyết liệt kiểm tra hằng tháng, đến năm 2025 sẽ đưa vào khai thác giai đoạn 1, phục vụ khoảng 25 triệu hành khách/năm. TP HCM và các địa phương tập trung nguồn lực hình thành các đường tiêu chuẩn, các đường cao tốc để khai thác cảng biển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại