Doanh nghiệp Mỹ thúc đẩy thịt nhân tạo tại TQ
Tại hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc tại Thượng Hải, Impossible Foods - công ty chuyên về chế biến thịt nhân tạo từ thực vật của Mỹ - thể hiện sự không hài lòng vì vấn đề sắp xếp gian hàng.
The New York Times (NYT- Mỹ) cho biết, Impossible Food được xếp ở rìa của trung tâm triển lãm khổng lồ, bên cạnh là gian hàng của các doanh nghiệp vốn có ít tham vọng hơn về phát triển ngành công nghiệp thịt toàn cầu.
"Việc sắp xếp gian hàng thực sự rất khó hiểu", ông Pat Brown, Giám đốc điều hành của Impossible Food cho biết. "[Gian hàng của công ty] lại ở một góc xa trong không gian vô cùng rộng lớn này".
Trong hai năm qua, Impossible Food và đối thủ cạnh tranh Beyond Meat đã phát triển từ các công ty khởi nghiệp thành công ty thực phẩm lớn của Mỹ. Họ đã đạt được thỏa thuận cung cấp thực phẩm cho các thương hiệu đồ ăn nhanh như McDonald, Burger King và giành được lời khen ngợi vì những nỗ lực thay thế các sản phẩm động vật bằng các sản phẩm thực vật lành mạnh hơn, ít gây hại cho môi trường hơn.
Cơ sở của Impossible Food ở Oakland, California. Ảnh: NYT
Ngày nay, cả hai công ty đang tìm cách thâm nhập vào một thị trường có khả năng sinh lời cao và có tác động lớn đến môi trường: Trung Quốc, nước tiêu thụ thịt lớn nhất thế giới. Các chuyên gia cho rằng, sản xuất thịt là nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu và nhu cầu ngày càng tăng đối với thịt lợn và thịt bò của Trung Quốc đã khiến môi trường thiệt hại trầm trọng, gây ra các vấn đề như thiếu nước, sóng nhiệt và phá hủy rừng nhiệt đới Amazon.
Trước phát biểu của Giám đốc điều hành của Impossible Food Pat Brown, Thời báo Hoàn cầu cho biết, Trung Quốc đang chịu "tiếng oan".
Trong bài viết đăng ngày 9/1/2010, báo Trung Quốc đã trích dẫn những chỉ trích gay gắt của cư dân mạng nước này nhằm phản bác quan điểm của ông Brown.
"Mỗi khi người Trung Quốc ăn một miếng thịt, một làn khói sẽ bốc lên ở Amazon", ông Brown nói. "Đây là một thị trường cực kỳ cần thiết và vô cùng quan trọng đối với chúng tôi".
Nhưng bán thịt nhân tạo từ thực vật tại Trung Quốc đại lục không phải là điều dễ dàng. Beyond Meat đã có mặt ở hàng chục quốc gia và khu vực, còn Impossible Foods cũng phát triển mạnh mẽ ở Singapore, Macau và Hồng Kông. Tại Mỹ, hai công ty đã khắc phục được những khó khăn đến từ những nông dân chăn nuôi gia súc, các nhà hàng như Arby's v.v...
Tuy nhiên, Trung Quốc lại có những trở ngại về văn hóa, quy trình quản lý cũng như vấn đề cốt lõi: Người Trung Quốc liệu có mua thịt nhân tạo từ thực vật hay không?
Khó khăn vì chưa hiểu văn hóa bản địa
Mặc dù protein cho người ăn chay có lịch sử lâu đời trong nền ẩm thực Trung Quốc nhưng trong giới trung lưu - đang không ngừng phát triển ở Trung Quốc, nhiều người coi thịt là một biểu tượng địa vị quan trọng và họ có những kỳ vọng hoàn toàn khác người Mỹ về cách chế biến. Trong những năm gần đây, nhiều công ty Trung Quốc đã bắt đầu phát triển các sản phẩm từ thực vật, nhưng chúng chủ yếu nhắm vào người ăn chay, chứ không phải những người ăn thịt mà Impossible Food và Beyond Meat hướng tới.
Cả Beyond Meat và Impossible Food đều không tiết lộ kế hoạch chi tiết về cách đáp ứng quy định thực phẩm hoặc phương thức quảng bá đến người tiêu dùng Trung Quốc. Trong khi đó, hôm thứ Hai vừa qua, ông Vương Thủ Vĩ, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thực phẩm thành phố Bắc Kinh cho biết, cho biết các nhà quản lý Trung Quốc đang làm việc theo quy định.
Giám đốc điều hành Beyond Meat, ông Ethan Brown cho biết họ hy vọng sẽ bắt đầu sản xuất thịt nhân tạo có nguồn gốc thực vật tại Trung Quốc vào cuối năm 2020.
Impossible Food lại không đưa ra thời gian biểu cụ thể. Công ty này cho biết họ có kế hoạch thành lập một văn phòng thường trú tại Trung Quốc trong những tháng tới, điều phối một giám đốc điều hành sang Hồng Kông và tuyển dụng nhân viên ở Trung Quốc đại lục. Tuần này, Impossible Food đã ra mắt một sản phẩm thịt lợn nhân tạo chế biến từ thực vật, nhằm thu hút người tiêu dùng Trung Quốc.
Sản phẩm bánh từ thịt nhân tạo của Beyond Meat. Ảnh: NYT
Pat Brown dự đoán, ngành công nghiệp thịt nhân tạo đang bùng nổ sẽ giúp chính phủ Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Trong hơn năm qua, dịch lợn tả châu Phi đã làm suy giảm nguồn cung thịt lợn của Trung Quốc, buộc chính phủ Bắc Kinh phải chuyển sang thị trường nước ngoài để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Theo ông Derrell Peel, nhà kinh tế nông nghiệp tại Đại học bang Oklahoma cho biết, Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc tìm kiến protein đa dạng để bổ sung vào thị trường thịt lợn đó..
Beyond Meat và Impossible Food đã thực hiện các cách tiếp cận khác nhau để mô phỏng hương vị và cảm giác của các sản phẩm thịt động vật. Beyond Meat sử dụng protein từ hạt đậu, trong khi Impossible Food dựa vào phân tử hemoglobin trong đậu nành biến đổi gen.
Thư ký trưởng Hiệp hội công nghiệp thực phẩm từ thực vật Trung Quốc Tiết Nham cho biết, tại Trung Quốc, Tổng cục quan quản lý và giám sát thị trường quốc gia phân loại các sản phẩm của Beyond Meat là sản phẩm từ đậu còn thịt nhân tạo của Impossible Food là sản phẩm từ đậu nành.
Tuy nhiên, NYT cho biết, so với các công ty nước ngoài, hồ sơ kinh doanh của các doanh nghiệp Trung Quốc dễ dàng được phê duyệt.
Whole perfect food - một doanh nghiệp sản xuất protein cho người ăn chay ở Thâm Quyến đã tung ra thị trường món thịt hầm chay giống như món "đầu sư tử" nổi tiếng của miền Nam Trung Quốc.
Chu Khởi Vũ, Giám đốc tiếp thị của Whole perfect food, nói rằng trở ngại chính đối với Beyond Meat và Impossible Food là "làm thế nào để bản địa hóa sản phẩm".
Phương pháp chế biến thịt của Trung Quốc thường khác với người Mỹ, vì nhiều người Trung Quốc thích ăn xương sườn. Một công ty khởi nghiệp về thịt nhân tạo tại Bắc Kinh có tên ZhenMeat đang sử dụng máy in 3D để sản xuất các sản phẩm thay thế giàu protein, bao gồm xương, bắp mà người tiêu dùng Trung Quốc ưa thích.
Những thách thức văn hóa mà các công ty Mỹ phải đối mặt được thể hiện ngay tại Triển lãm thương mại Bắc Kinh vào tháng 11 năm ngoái. Tại đây, Beyond Meat giới thiệu đến khách tham quan món bánh mì kẹp thịt và xúc xích.
"Hương vị của thịt nhân tạo vẫn chưa giống", cô Luan Yucui, một khách tham quan đang giảm lượng thịt vì lý do sức khỏe, nhận xét.
"Các công ty nước ngoài không hiểu văn hóa Trung Quốc của chúng tôi," Yu Dongli, một khách hàng khác nói.
Tuy nhiên, dù thừa nhận việc kinh doanh thịt nhân tạo ở Trung Quốc rất khó khăn nhưng Impossible Food vẫn quyết phát triển ở thị trường đông dân này.