Theo kế hoạch năm 2024, Vĩnh Phúc phấn đấu thu hút vốn đầu tư FDI hơn 400 triệu USD. Theo đó, để đạt được mục tiêu, tỉnh đã luôn đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; đổi mới cách thức xúc tiến đầu tư, lựa chọn, mời gọi đầu tư theo định hướng, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung thu hút các dự án có quy mô lớn để làm hạt nhân, động lực kéo theo các dự án vệ tinh, hình thành các cụm liên kết về sản xuất - chế tạo - cung ứng - dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua việc áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp, đồng thời triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư riêng của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh luôn đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư; tiếp đón và làm việc với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đến tìm hiểu chính sách đầu tư, thủ tục đầu tư tại tỉnh như Tập đoàn Young Poong, Quỹ đầu tư META, Công ty Grandway Singapore...
Nhờ đó, kết quả thu hút vốn đầu tư FDI 6 tháng đầu năm của tỉnh ước đạt 435,8 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023, vượt gần 9% kế hoạch năm. Trong đó có gần 210 triệu USD vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.
Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Vĩnh Phúc tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng phát triển công nghiệp theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất như sản xuất các sản phẩm điện tử, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, phát triển ngành công nghiệp nền tảng, chế biến thực phẩm và đồ uống tiêu chuẩn cao…; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tạo điều kiện phát triển các loại hình vận tải, kho bãi và logistics hiện đại…
Vĩnh Phúc đặt mục tiêu quy hoạch, phát triển mới 5 khu công nghiệp, để đến năm 2030 có 24 khu công nghiệp được quy hoạch; Phát triển thành lập mới thêm các khu công nghiệp trong trường hợp được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp.
Nhu cầu phát triển các khu công nghiệp sau năm 2030 là 7.000 ha và tầm nhìn đến năm 2050 tăng lên quy mô 10.000 ha. Trong đó, ưu tiên phát triển khu công nghiệp mới dọc theo những trục giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội – Lào Cai, đường vành đai 4, vành đai 5.
Đối với các cụm công nghiệp, đến năm 2030, tỉnh quy hoạch phát triển mới 31 cụm công nghiệp, đưa tổng số cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 47 cụm. Đến năm 2050, toàn tỉnh có 51 cụm công nghiệp.
Mục tiêu phát triển quy hoạch đến năm 2030, tỉnh sẽ thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP bình quân đầu người, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, tạo tiền đề trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, là hạt nhân thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại trong vùng đồng bằng sông Hồng; nâng cao đời sống cho người dân, có nền văn hóa tiên tiến, giàu bản sắc, xã hội hài hòa, môi trường sinh thái trong lành, đáng sống.